Đầu tháng 6, buổi triển lãm "Vật dụng cũ mòn... chuyện chưa kể" được Nestlé Milo tổ chức giữa Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM. Vật dụng được triển lãm là những món đồ đã cũ mòn sau vài năm hay thậm chí vài thập kỷ. Lớn lao như những chiếc giày, cái vợt... gắn liền với huy chương tầm thế giới, nhưng cũng có cặp kính bơi, giày trượt tennis mang ý nghĩa giản đơn giúp các em nhỏ vượt qua sự rụt rè, minh chứng sự bền bỉ khi tập luyện.
Qua những đúc kết của những nhà vô địch, công thức thành công của họ chính là sự hội tụ của: đam mê, quyết tâm, bền bỉ và tinh thần đồng đội.
Đoàn Văn Hậu - chàng hậu vệ trưởng thành từ câu lạc bộ Hà Nội luôn là lựa chọn để tạo nên hàng thủ vững chắc cho đội tuyển. Nhưng trước khi được cùng đồng đội sánh vai, tạo nên hàng loạt thành tích trên sân cỏ, mà gần đây là chiếc cúp vô địch AFF 2018, cầu thủ sinh năm 1999 còn có một "thành tích" đáng nể khác: làm cũ hàng nghìn quả bóng khi tập luyện.
Quả bóng cũ mòn này bảo rằng Hậu hãy rèn thêm tính vững vàng, điềm tĩnh, bền bỉ. Quả bóng thay đổi hình dạng dạy anh kỹ năng phải đi cùng ứng biến. Hàng nghìn quả bóng hư cũ đi, cũng là lúc Văn Hậu rèn nên bản lĩnh của mình trên sân cỏ.
Tín đồ yêu bóng đá cũng không thể quên hình ảnh một thời của Lê Công Vinh. Với chàng cựu cầu thủ được nhiều người yêu mến, vật kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt là đôi giày cũ đã sờn da. Bởi đó chính là "chiến hữu" của chàng tiền đạo trong 2 năm luyện tập ròng rã (2004-2006) và giúp anh ghi hơn 20 bàn thắng (trong 100 bàn) tại V-League. Thành tích đó đem lại cho anh 2 quả bóng vàng danh giá.
Phía trước ánh hào quang rất rực rỡ, còn đằng sau nó, ít người biết Công Vinh cũng phải nỗ lực, lăn xả rất nhiều. Anh kể lại, vào nghề nhưng không có yếu tố thiên bẩm, người khác chạy nhanh, khéo léo, càn lướt dũng mãnh, còn anh chỉ có duy nhất sự kiên trì. Biến sức mạnh tinh thần thành vũ khí, mỗi buổi tập, anh luôn cố gắng gấp nhiều lần. Có những buổi tập, hai móng chân cái bật ra đầy đau nhức, vậy nhưng trong từ điển của chàng cầu thủ chưa bao giờ có chữ "từ bỏ". Anh chạy bộ để rèn luyện thể lực, tự lập cho mình một "giáo án" riêng.
Nhìn lại đôi giày cũ mòn ấy, Công Vinh rất xúc động, vì nó không chỉ thấm mồ hôi mà còn có cả máu, nhắc nhủ anh rằng thành công hôm nay đến từ sự cố gắng hết mình của tuyển thủ mang áo số 9 xưa kia.
Ở bộ môn võ thuật, người ta thường gọi Châu Tuyết Vân là hot girl Taekwondo. Nhưng cũng cô gái có vẻ ngoài xinh xắn và nữ tính đó, đã mang về cho đội tuyển quốc gia 7 huy chương vàng thế giới, 3 huy chương vàng châu Á và 3 huy chương vàng SEA Games.
Người học võ, quý nhất là chiếc đai. Châu Tuyết Vân cũng vậy, chiếc đai đen đã cũ mòn từ 10 năm trước nhưng cô vẫn luôn mang theo mỗi lần thi đấu. Bởi nhìn thấy nó là Vân như được hồi tưởng lại quãng thời gian luyện tập đến quên cả nghỉ ngơi để được vào đội tuyển quốc gia. Ghi tên mình vào danh sách đội tuyển, cũng là lúc Vân giành huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 2010. Khi quốc ca Việt Nam được vang lên trước hơn 60 quốc gia, cô bật khóc vì cố gắng được đáp đền.
Lý Hoàng Nam vẫn luôn là một "tượng đài" trong làng quần vợt Việt Nam. Tập chơi tennis từ năm 9 tuổi, 6 năm sau trở thành tay vợt số một trong nước, tròn 20 đứng đầu Đông Nam Á. Mọi người đều gọi Nam là thần đồng, nhưng rồi nhìn anh tập luyện, tất cả mới hiểu rằng chỉ một chút tố chất không thể tạo nên nhà vô địch. Đam mê tennis đến mức ôm cây vợt lên giường ngủ, đến sân tập mỗi ngày, xa nhà để được học đúng người thầy mình mến mộ, ra sân là quyết tâm hạ gục đối thủ mới ngừng.
Suốt hành trình đó, Nam có người bạn đồng hành đặc biệt là cây vợt Prince. Cũng là cây vợt này, đánh dấu 2 năm đầu chơi chuyên nghiệp, đưa anh đến với thành công từ trong nước đến quốc tế, giành những tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp. Chiếc vợt ấy bây giờ với anh là vật vô giá, dù đã bung lưới và cũ mòn, nhưng anh vẫn giữ bên mình, để bản thân không bao giờ quên một Lý Hoàng Nam bền bỉ, nhiệt huyết ngày ấy.
Xuất hiện trong buổi triển lãm còn có quả bóng rổ 13 năm về trước của tuyển thủ Stefan Nguyễn Tuấn Tú. Trở về Việt Nam từ Thụy Điển, Stefan tham gia các câu lạc bộ lớn, từng góp mặt trong đội hình thi đấu SEA Games. Chàng tuyển thủ chia sẻ trái bóng rổ tuy không còn sử dụng được nhưng nó ghi dấu hàng trăm giờ luyện tập, hàng nghìn cú đập bóng, giúp anh vượt qua 1.500 người để trở thành một trong 12 cầu thủ của đội tuyển quốc gia Thụy Điển.
Buổi triển lãm còn chứng kiến nhiều câu chuyện đầy xúc động của trẻ em toàn quốc. Đôi giày patin giúp Nguyễn Ngọc Gia Linh nhút nhát ngày nào nay đã trở nên tự tin, từ việc đi lòng vòng trong khoảng sân trước nhà, em trở nên mạnh dạn khám phá cuộc sống xung quanh mình. Thiên Phúc cũng từng là một cậu bé chỉ biết quanh quẩn trong nhà, nhưng từ khi làm quen với trái bóng tròn, em đã thay đổi. Trải qua bao bỡ ngỡ học tâng bóng, những lần sút đầu tiên, các buổi học dù "cây nhà lá vườn" nhưng giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm, tạo nền tảng cho những lần ghi bàn trên sân cỏ thực thụ.
Buổi triển lãm trưng bày những vật cũ, nhưng triết lý mang đến lại đầy mới mẻ và ý nghĩa. Một món đồ không thể dùng được nữa, cũ mòn theo năm tháng nhưng với nhiều người, nó không hề vô giá trị. Trái lại, nó là vô giá, bởi đã theo sát từng bước tiến của mỗi người trong hành trình kiên trì luyện tập, bền bỉ với đam mê, ghi dấu từng cột mốc thành công trong cuộc đời.
Bởi vậy, trở về từ triển lãm, hàng loạt ý kiến được nêu lên, thể hiện sự đồng tình và một "cam kết" cùng nhau xây dựng thế hệ Việt Nam năng động, khởi nguồn từ chính các tuyển thủ tham gia. Công Vinh chia sẻ trên trang cá nhân rằng dù không còn là cầu thủ, nhưng anh vẫn tiếp tục sự nghiệp với trái bóng tròn, bằng cách sáng lập ra học viện bóng đá trẻ CV9. Nhờ đó, mỗi ngày, anh đều có thể đồng hành và ươm mầm nuôi dưỡng tình yêu bóng đá.
"Tôi hy vọng ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam yêu thích tập luyện thể thao. Bởi chơi thể thao không chỉ giúp các em cải thiện tầm vóc mà còn giúp các em rèn bản lĩnh kiên cường theo đuổi đến cùng đam mê", anh chia sẻ.
Chàng hậu vệ Văn Hậu cũng nhắn nhủ tới mọi người: "có đam mê thì hãy theo đuổi". Còn với Châu Tuyết Vân, sau gần 20 năm theo đuổi Taekwondo, cô chiêm nghiệm rằng học võ không nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài. Võ thuật phải là một nét đẹp tiềm ẩn. Nó rèn luyện cho người võ sĩ bản tính điềm tĩnh, kiên định. "Sự chăm chỉ rèn luyện, khắc phục điểm yếu của bản thân mỗi ngày sẽ giúp bạn đạt được thành công".
Thông điệp từ ban tổ chức - nhãn hàng Milo - cũng được bậc phụ huynh đồng tình. MC Thùy Minh chia sẻ: "Thể thao là người thầy tuyệt vời, sẽ dạy con những bài học vô cùng giá trị: quyết tâm, bền bỉ, đam mê, đồng đội. Và khi ấy, những đồ cũ mòn chính là từng bậc thang giúp con trở thành nhà vô địch mỗi ngày". Chị hóm hỉnh cho biết, sau triển lãm, hai mẹ con đã chơi ngay môn thể thao mà con chưa từng thử là trượt băng. Dù con ngã rất nhiều nhưng vẫn không ra khỏi sân tập, còn Thùy Minh biết rằng sắp tới ngôi nhà sẽ có thêm một đôi giày trượt cũ mòn.
Diễn viên Lâm Vỹ Dạ thổ lộ từ triển lãm về chị thấy cảm xúc rất dạt dào vì cảm nhận những vật cũ mòn kia mang theo nhiệt huyết, quyết tâm, quá trình nỗ lực bền bỉ đáng khâm phục. "Thể thao giúp con rèn thể lực, nuôi dưỡng đam mê, bền bỉ cố gắng, học được tinh thần đồng đội... nên tôi sẽ khuyến khích hai con chăm tập luyện", chị nói thêm.
Thủ môn nhí Cao Thiên Lộc (sinh năm 2008, Kiên Giang) cũng là một trong những thành viên có vật dụng triển lãm. Sở hữu loạt thành tích: vô địch Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh 2018, giải nhất cúp Milo tại Quảng Trị, vô địch Hội khỏe Phù Đổng cúp Milo 2016, giải 3 cúp Milo tổ chức tại Đồng Tháp... Với em, chiếc áo đấu Milo không chỉ là động lực, nguồn cảm hứng mà còn là người giám sát sự trưởng thành. Còn môn bóng đá đã giúp em luyện tập tính kiên trì, bền bỉ, theo đuổi đến cùng niềm đam mê và đạt được thành công.
Đào Văn Lượng (sinh năm 2007) bắt đầu làm quen với môn bóng đá và được luyện tập tại Trung tâm đào tạo bóng đá SHB Đà Nẵng từ năm 7 tuổi. Năm 2019, em còn được tham gia khóa tập huấn tại Câu lạc bộ Barcelona (FCB), từng đạt giải nhì U11 Cúp bóng đá tiểu học tỉnh Quảng Trị, huy chương bạc Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cúp Milo năm 2018. Đối với em, bóng đá có ý nghĩa rất lớn lao và mơ ước lớn nhất là "trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như đội tuyển U23 hiện nay".
Ông Ali Abbas, Giám đốc ngành hàng Milo và sữa tại Nestlé Việt Nam nhấn mạnh thông qua triển lãm "Vật cũ mòn...chuyện chưa kể", đơn vị hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có một cách nhìn khác, hiểu hơn ý nghĩa đằng sau đồ vật cũ mòn của con. Khi đồ vật cũ dần đi, cũng là minh chứng cho việc con đã chăm chỉ luyện tập thể thao mỗi ngày. Thông qua thể thao, các con sẽ học được những bài học tuyệt vời về những giá trị sống cốt lõi, giúp con trưởng thành và dễ dàng thành công trong cuộc sống.
Hoài Nhơn
Ảnh: Quỳnh Trần
Thiết kế: Đức Trần