Khác với một số bạn trẻ Hà Nội bắt đầu kinh doanh bằng tiền của cha mẹ, Đức và Trí tập làm ông chủ mà không có một xu dính túi. Năm 1994, khi chiếc máy vi tính còn chưa phổ biến như bây giờ, Đức và Trí đã la cà ở các hàng trò chơi điện tử vô tuyến với "mưu đồ" nâng cấp hệ thống trò chơi này lên thành "mạng" - thay thế vô tuyến bằng các máy vi tính nối mạng hệ thống. Lúc ấy, Đức và Trí chưa quen nhau, nhưng cả hai đều linh cảm về hướng kinh doanh mang tính trào lưu này.
Duyên kỳ ngộ
Theo hai con đường khác nhau, Đức và Trí âm thầm tích luỹ tiền (từ tiền quà sáng, tiền mừng sinh nhật... thậm chí đến "thi đấu" điện tử để kiếm tiền) và huy động bạn bè chung máy để mở hai cửa hàng điện tử vi tính. Cửa hàng của Đức ở tại đê Trần Khát Trân, còn của Trí đặt tại phố Trần Xuân Soạn.
Sau một năm hoạt động, nhằm khuếch trương thanh thế, cửa hàng của Trí tổ chức đấu giải với tất cả dân nghiền vi tính ở các cửa hàng vi tính điện tử trong thành phố. Tiếng tăm của giải vang xa, các "cao thủ" đến và... lần lượt bại trận. Tài năng của Phan Minh Trí được nhiều người kiêng dè. Đến lượt Nguyễn Ngọc Đức, anh lần lượt vượt qua các vòng đấu bảng để vào "chung kết" với Trí. Kết quả thật bất ngờ! Đức lại vượt qua và "rinh" trọn giải thưởng 1 triệu đồng của cửa hàng Trí. Cả hai bắt tay kết bạn.
Cuối năm 1996, hướng kinh doanh trò chơi điện tử vi tính dường như trở nên khó khăn hơn. Các cửa hàng đua nhau mọc lên như nấm. Giá chơi trò chơi điện tử từ 7.000 đồng/giờ xuống 6.000 đồng... rồi 3.000 đồng. Từ giấc mộng làm giàu, Đức và Trí chỉ còn mong "làm đủ ăn", lo lắng tìm cách để trụ lại trước sự cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, việc nâng cấp cửa hàng, thay các máy cũ bằng máy tính tốc độ cao lại đòi hỏi chi phí rất lớn. Vậy mà đến năm 1997, khi Internet đã khá phổ biến ở VN, Đức rủ Trí: "Cà phê Internet là một cơ hội, không bỏ qua chứ?". Một cái gật đầu đồng ý. Và cùng với đó là sự giải thể 2 cửa hàng. Đức và Trí gom được 30 triệu đồng và quyết tâm chớp lấy cơ hội kinh doanh mới.
"Triển khai hành động"
Với đối tượng khách nhắm đến là người nước ngoài và giới ghiền "net", câu hỏi đầu tiên đặt ra cho hai sáng lập viên trẻ tuổi này là: Nơi nào tập trung đông đảo lượng khách nói trên? Câu trả lời đã có sau 2 tuần thăm dò thị trường của Đức và Trí, đó là phố cổ Hà Nội.
Hơn một tháng "nằm lì" ở phố cổ suốt sáng, trưa, tối để theo dõi, Đức nhận thấy lượng khách Tây đi bộ ở các con đường này rất đông, và phần lớn họ ở phố "Tây" Lương Ngọc Quyến. Từ phố "Tây" này muốn toả ra các con phố khác phải đi qua Tạ Hiện. Đức nghĩ mình đã tìm được phố "vàng". Cả phố này lúc đó chỉ có một hàng phở, và một cửa hàng cho thuê xe du lịch. Ngày ngày, nó vẫn chứng kiến những bước chân vội vã của các vị khách Tây ra tận bưu điện để gửi và nhận thư điện tử.
Cả hai phải năn nỉ mãi, chủ nhà số 22 Tạ Hiền mới cho hai "thằng nhỏ" thuê mặt bằng tầng một với giá 3 triệu đồng/tháng và phải trả trước 6 tháng. Hai cậu chủ hì hục lo mua sắm bàn ghế, quầy, trang trí nhà cửa, biển hiệu... và lắp cả đường dây điện thoại cho đến khi hết sạch tiền. Lúc đó, Trí mới hỏi Đức: "Hết tiền rồi thì lấy máy ở đâu mà kinh doanh?". Ngần ngừ giây lát, Đức nói rất tự tin: "Anh em mình sẽ mua được".Quả thật, nhờ uy tín và sự quen biết các cửa hàng bán máy từ hồi kinh doanh trò chơi, cuối cùng Đức và Trí đã thuyết phục được người bán cho mua thiếu 10 máy tính với giá 60 triệu đồng.
Thế là cửa hàng Cyber net đầu tiên của hai cậu chủ tại Tạ Hiện ra đời. Sau tuần đầu khuyến mãi, doanh thu của cửa hàng đã đạt con số 700.000 đồng/ngày. Mathias, một khách hàng người Đức, cho biết: "Trước đây, chúng tôi phải đi qua Tạ Hiện một đoạn dài mới gửi được một bức thư điện tử. Bây giờ có cửa hàng này chúng tôi đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Giá dịch vụ ở đây khá rẻ và hai ông chủ nói tiếng Anh rất tuyệt!".
Thời điểm ấy, một phút truy cập vào mạng ở Cyber net là 250 đồng, trong khi cước phí bưu điện thu tại các máy tính gia đình là 400 đồng/phút, Đức và Trí đã nối mạng 10 máy tính và thuê một đường (line) riêng. Đó là ưu thế của Cyber để thu hút khách hàng. Chỉ 6 tháng sau, Đức và Trí đã đủ tiền trả nợ.
Lớn mạnh qua cạnh tranh
Cùng thời điểm này thì cà phê Internet tại Tạ Hiền lại mọc lên như nấm. Giá truy cập từ 250 đồng/phút xuống còn 200 đồng rồi 150 đồng. Ngoài việc hạ giá, hai ông chủ còn áp dụng biện pháp khuyến mãi. Cứ mỗi giờ truy cập tại Cyber, khách hàng được mời uống một lon Coca-Cola. Thêm vào đó, Trí tăng cường chiến dịch tiếp thị bằng cách tung Cyber.com lên mạng (trang thông tin riêng do Trí lập để giao lưu với khách hàng). Thấy việc phát tờ rơi quảng cáo không mấy hiệu quả, Trí cho in các đề-can nhỏ giới thiệu cửa hàng rồi đem dán ở các mặt bàn tại các quán đông khách như cà phê Trung Nguyên, trà Dilmah... Bên cạnh việc chú trọng đến đối tượng khách nước ngoài, Cyber còn thúc đẩy phong trào "chơi net" của giới trẻ Hà Nội thông qua việc thành lập "Câu lạc bộ những người chơi net Hà Nội" tại Cyber...
Nhờ chiêu thức này mà Cyber trụ lại và tiếp tục phát triển trong cuộc cạnh tranh. Từ thành công của Cyber net 22 Tạ Hiền, Đức và Trí mở ra một chuỗi các Cyber net khác. Năm 1999, có thêm Cyber tại 18 Tạ Hiện. Năm 2000 có Cyber net 24D Tạ Hiện. Đến tháng 4/2001, Cyber khai trương tiếp một cửa hàng tại nhà số 9 cùng phố. Mỗi cửa hàng có từ 10-15 máy tính, một máy in laser, có máy điều hoà không khí... cùng hệ thống quầy bar, bàn ghế phục vụ... Ước tính tổng trị giá tài sản của Cyber giờ đã lên trên nửa tỷ đồng.
Hiện nay, thời khoá biểu của Đức và Trí là một buổi đi học, một buổi quản lý các cửa hàng với 12 nhân viên, đêm về cả hai lên mạng thiết kế trang chủ theo đơn đặt hàng. Hai người cho biết sắp tới, Cyber sẽ mở rộng xuống các khu đông dân cư như làng sinh viên, các khu đô thị mới. Ngoài ra, Đức và Trí còn đang ấp ủ ý tưởng mở công ty chuyên thiết kế trang chủ và kinh doanh qua mạng.
TBKTSG, 28/6