Thanh Vân -
![]() | |
Theo anh Cao Xuân Sơn, trưởng ban biên tập Chi nhánh NXB Kim Đồng phía Nam, thì Tủ sách Tuổi mới lớn trong mấy năm qua phát triển theo hướng đi lên. Năm 2002, năm thử nghiệm đầu tiên, 2 tuần NXB mới phát hành 1 tập sách. Đến năm 2003 tăng 1 tuần 1 tập. Giữa 2004, 1 tuần 2 tập và lịch phát hành ổn định cho đến nay. Trong vòng vài năm trở lại, đây là tủ sách văn học Việt Nam duy nhất phát hành định kỳ và in 100% những tác phẩm mới dành cho bạn đọc độ tuổi 13-17. Hàng tuần, mỗi đầu sách được phát hành từ 1.500 đến 2.000 bản và đều bán hết. Điều đó cho thấy, nhu cầu về sách văn học cho độ tuổi "teen" là rất lớn. Không chỉ phát triển số lượng, nội dung tủ sách cũng ngày càng ổn định. Trước đây, tủ sách bị kêu ca là già so với đối tượng phục vụ, bởi vì trong những ngày đầu gây dựng, chỉ có những nhà văn lớn tuổi vào cuộc như Đoàn Thạch Biền (Mùa hè khắc nghiệt), Đinh Tiến Luyện (Sân cỏ ước mơ), Nguyễn Quang Sáng (Nó và tôi), Hồ Thi Ca (Xin lỗi người dưng), Từ Kế Tường (Ngày vắng mưa thưa)... Từ những người "đốt lửa" này, lực lượng cây viết trẻ hùng hậu đã vào cuộc sôi nổi. Từ những nhà văn đã có tên tuổi ở dòng văn học người lớn như: Vũ Đình Giang, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Châu Giang, Liêm Trinh, Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy... đến những cây bút học trò, sinh viên lần đầu tiên viết sách như: Minh Nhật, La Thị Ánh Hường, Đỗ Thanh Vân, Võ Thu Hương, Tú Trinh, Phương Trinh, Bùi Đặng Quốc Thiều, Nguyễn Ngọc Minh Hoa... tất cả đều có vị trí bình đẳng như nhau, những cơ hội như nhau để đến với bạn đọc.
Trong bối cảnh những tác phẩm văn học nước ngoài dành cho tuổi mới lớn như: Nhật ký Mã Yến, Búp Bê Bắc Kinh, Kira - Kira... được xuất bản ngày càng nhiều ở thị trường trong nước, những đầu sách văn học "made in Viet Nam" của tủ sách Tuổi mới lớn đã níu chân được bạn đọc và tạo nên một dòng văn học riêng. Anh Cao Xuân Sơn cho rằng: "Ở nước ta, sách văn học cho tuổi mới lớn từ trước đến nay luôn trong trạng thái hụt hẫng. Lứa tuổi từ 13 trở xuống đã có dày đặc sách thiếu nhi. Từ 18 trở lên có sách dành cho người lớn. Vậy độ tuổi từ 13 đến 17 đọc gì? Đây chính là độ tuổi cần sách nhất nhưng lại thiếu sách nhất, đặc biệt là sách văn học. Tuổi này không còn phù hợp với bác gấu, bạn thỏ, chị chim nữa, nhưng cũng chưa quá già để nuốt trôi hết những tác phẩm dành cho người lớn. Hội thảo về sáng tác cho văn học tuổi mới lớn diễn ra vào ngày 18-20/12 tại An Giang sắp tới chính là một tín hiệu vui, vì lần đầu tiên, Hội nhà văn Việt Nam đã công nhận sự hiện diện và phát triển của dòng văn học tuổi mới lớn trong nước". |