Đó là khi tổng giám đốc tổ hợp Samsung khẳng định rằng doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung ứng được bao bì sản phẩm, in ấn cho hãng này. Một doanh nghiệp chiếm hàng chục phần trăm tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, mà không thể nội địa hóa nổi con ốc vít. Thông tin khiến nhiều người bàng hoàng.
Năm ấy tôi không ở trong nước, không biết dư luận thực tế ra sao, mọi người có thực sự bức xúc vì con ốc vít hay không. Nhưng trên mặt báo, thì năm ấy thời sự đi vào đầu tôi toàn “ốc vít”.
Chuyện con ốc vít năm 2014, qua phát biểu của các chuyên gia, doanh nhân, chia ra hai luồng quan điểm trái ngược. Một thể hiện sự chì chiết mỉa mai với mệnh đề khái quát “Việt Nam không làm nổi con ốc vít”; một thì nóng mặt, tìm cách chứng tỏ rằng trình độ kỹ thuật của Việt Nam không hề thua kém nhiều nước, và phân tích các nguyên nhân khác, như là cơ chế, vốn, hạ tầng.
“Việt Nam không làm nổi con ốc vít” là một mệnh đề dễ gây tự ái. Nó khá quen thuộc trong những câu chuyện lịch sử của một nước nhỏ. Và trước sự tự ái, người ta có hai lựa chọn: chấp nhận sự hạ thấp như một thực tế, thậm chí tự chì chiết bản thân; hoặc là tìm ra nguyên nhân và thể hiện rằng tôi có thể làm được.
Tại Hàn Quốc, các thành viên của đội tuyển U20 Việt Nam đã phải nghe nhiều mệnh đề mang tính hạ thấp như thế. HLV Hoàng Anh Tuấn mô tả rằng New Zealand “chủ quan từ sinh hoạt, tập luyện đến cách quan hệ đối xử”. Họ rất xem thường chúng ta.
Một nhân vật đồng hành cùng đội tuyển U20 Việt Nam tại Hàn Quốc đã chia sẻ câu chuyện: “Trước trận đấu, khi đi chung thang máy với 2 thành viên trong ban huấn luyện của U20 New Zealand, họ đã nhìn chúng ta bằng nửa con mắt và nói bằng tiếng Anh: Người Việt Nam chúng mày không biết đá bóng”.
Vặn ngược kim đồng hồ quay trở lại thời điểm diễn ra VCK U19 châu Á, ai dám nghĩ chúng ta có thể lọt vào Top 4 châu lục để lần đầu tiên giành vé đi World Cup? Câu trả lời: chẳng ai cả, ngoài thày trò ông Hoàng Anh Tuấn. Ngay cả Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng không kỳ vọng điều đó. Chính ông Tuấn trước giờ lên đường dự giải còn khẳng định: VFF không đặt mục tiêu quá cao cho U19 Việt Nam.
Và rồi khi đội tuyển U19 Việt Nam đã tạo nên kỳ tích không tưởng ấy thì chẳng ít người vẫn dè bỉu chúng ta sẽ sang Hàn Quốc để làm “rổ đựng bóng”. Chỉ có ông Hoàng Anh Tuấn nói rằng U20 Việt Nam muốn thay đổi lịch sử bóng đá Đông Nam Á.
Tất nhiên, khi HLV của U20 Việt Nam đặt ra những mục tiêu như vậy, người ta có thể dè bỉu ông “nổ”. Nhưng nói như Jack Ma: “Nếu không đầu hàng thì có nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội. Từ bỏ ước mơ của mình chính là thất bại lớn nhất”. Đơn giản là nếu bước vào cuộc chơi, với tâm thế mặc định mình sẽ không làm được trò trống gì, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể thu được một kết quả tốt.
Và cuối cùng, thày trò ông Tuấn đã chơi đầy chững chạc ngay ở lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường lớn nhất trong đời. Không hề có chút dấu hiệu nào thể hiện chúng ta chỉ là tân binh, là đội bóng bị đánh giá thuộc loại yếu nhất giải. Việt Nam đã bị New Zealand cầm hòa, chứ không phải ngược lại.
Ông Tuấn không ngại nói với các học trò rằng mình bị coi thường. Nhưng ông muốn các em bỏ qua sự coi thường ấy, và thuyết phục cầu thủ rằng họ sẽ “đá rất hay”.
Hình ảnh ông Hoàng Anh Tuấn lập tức chạy vào sân sau trận đấu gặp New Zealand hò hét các học trò đứng dậy thực sự là thước phim đầy cảm xúc. Tất nhiên, hơn ai hết ông Tuấn là người tiếc nuối nhất về kết quả. Nhưng ông muốn các học trò hiểu rằng hành trình của họ tại Hàn Quốc chưa kết thúc. U20 Việt Nam vẫn còn ít nhất 2 trận đấu nữa. Họ phải đứng dậy và sẵn sàng tiếp tục chiến đấu cho những điều kỳ diệu tiếp theo.
Không dám khẳng định cuộc phiêu lưu của thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại Hàn Quốc sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, bất chấp kết quả 2 trận đấu tới, U20 Việt Nam vẫn xứng đáng nhận được những lời khen ngợi. Giờ đây, bất kỳ đội tuyển nào khác của Việt Nam cũng có cơ sở để tin rằng mình hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao.
Người ta có quyền lựa chọn khi cảm thấy bị hạ thấp. Tự ti hoặc tự tin. Việt Nam có thể có điểm tại World Cup. Việt Nam tất nhiên là có thể làm ốc vít, làm ra những sản phẩm kỹ thuật hàng đầu, có thể đi vào top đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, tôi muốn ai cũng nên tin như thế. Chỉ có điều trong lĩnh vực của “ốc vít” thì chưa thấy một nhà cầm quân nào có tinh thần như ông Tuấn mà thôi.
Tôi về nước đã vài năm, gặp gỡ nhiều người. Hóa ra ở nhà, không mấy ai còn thực sự quan tâm đến chuyện ốc vít. Sự tự ái sục sôi năm nào, hình như đã trở thành câu chuyện đầu môi.
Phan Tất Đức