Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống kinh doanh, chị Nguyễn Thanh (sinh năm 1990, Hà Nội) lại không mấy mặn mà. Sau khi lấy chồng, chị làm nội trợ toàn thời gian, chuyên tâm chăm sóc chồng con. Tuy nhiên sau một lần dùng thử gia dụng của Tupperware, chị nảy ý định mở cửa hàng, làm cầu nối đưa thương hiệu đến gần hơn với các gia đình Việt Nam.
Sau bốn năm, Thanh sở hữu hai cửa hàng ủy quyền Tupperware và phát triển 8 chi nhánh khác ở bảy tỉnh miền Bắc, đạt doanh thu ổn định và cải thiện cuộc sống. Chị trò chuyện với VnExpress về quyết định kinh doanh, dự định tương lai.
- Vì sao chị quyết định kinh doanh đồ gia dụng?
- Trước khi mở cửa hàng phân phối Tupperware, tôi đã dùng thử hộp bảo quản thực phẩm và ấn tượng mạnh với tính năng của nó. Sản phẩm giúp thực phẩm luôn tươi ngon, đảm bảo sức khỏe. Vẻ đẹp và sắc màu bên ngoài của chúng cũng thu hút tôi và nhiều người dùng.
Thời điểm ấy, mỗi khi đến nhà, bạn bè và người thân đều hỏi trải nghiệm của tôi, muốn xem thử sản phẩm thực tế trong tủ lạnh. Chỉ vì lý do đơn giản vậy, tôi quyết định mở cửa hàng gia dụng nhằm giúp mọi người xung quanh có bữa ăn tươi ngon, đủ dưỡng chất với các hộp bảo quản thực phẩm chuyên dụng.
Bên cạnh đấy, con tôi cũng đã vào mẫu giáo, tôi có thời gian thảnh thơi nên muốn kinh doanh, ổn định kinh tế. Được sự ủng hộ của chồng và gia đình, tôi đã mở cửa hàng.
- Lúc bắt đầu kinh doanh, chị có đặt kỳ vọng gì?
- Từ ngày đầu, tôi quyết tâm phải thành công vì đã tìm hiểu kỹ dòng gia dụng này lẫn cách thức kinh doanh. Chi phí mở một cửa hàng khi ấy nằm trong khả năng của vợ chồng tôi, đó là tất cả tiền tiết kiệm của chúng tôi, chứ không phải đầu tư từ tiền nhàn rỗi.
Trước khi kinh doanh, tôi chỉ có kinh nghiệm làm nội trợ, tuy nhiên nó lại là trợ thủ đắc lực, giúp tôi hiểu nhu cầu nấu nướng của phụ nữ lẫn lo lắng hàng ngày về gian bếp.
Qua trải nghiệm thực tế về sản phẩm và kỹ năng làm chủ gian bếp phần nào giúp tôi tiếp cận với nhiều người tiêu dùng, đồng thời là chất keo kết nối với họ bền chặt hơn.
Thông thường 2-3 tháng đầu, đối tượng ủng hộ nhiều nhất là người thân, bạn bè. Tuy nhiên, có lẽ giai đoạn khó khăn nhất là từ tháng thứ 3 đến 10, không chỉ riêng tôi trải qua mà đa số hộ kinh doanh, đòi hỏi khả năng xoay xở để tự đứng vững.
Sau một năm, doanh số cửa hàng dần tốt lên, có tệp khách hàng cũ ổn định và tăng trưởng tệp người dùng mới. Tín hiệu tích cực bước đầu khiến tôi thay đổi suy nghĩ: ai cũng có thể làm kinh doanh tốt, miễn là chuẩn bị tâm thế vững vàng, chọn được sản phẩm tốt và đối tác uy tín.
- Quyết định kinh doanh của chị ảnh hưởng thế nào đến việc chăm sóc gia đình?
- Trước đây, tôi luôn lo lắng mở cửa hàng sẽ giảm thời gian chăm lo gia đình. Thế nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới biết việc nội trợ và kinh doanh có sự liên kết chặt chẽ. Hàng ngày, thay vì ở nhà chuẩn bị bữa cơm, tôi nấu luôn tại cửa hàng khi dùng thử sản phẩm mới và giúp khách có trải nghiệm cụ thể.
Sau này, khi cùng hỗ trợ phát triển thêm các cửa hàng mới, tôi tranh thủ đào tạo nhân viên kiến thức và trải nghiệm sản phẩm vững vàng, chuyên nghiệp. Quy trình trên giúp tôi vận hành nhiều cửa hàng cùng lúc trơn tru, bản thân tôi cũng có thêm thời gian cho chồng con.
Tôi cho rằng kinh doanh Tupperware là hướng đi phù hợp với những chị em vừa muốn chăm sóc gia đình, vừa muốn độc lập kinh tế.
- Chị nghĩ sao với quan điểm "kinh doanh thành công có thể khiến phụ nữ thoải mái và hạnh phúc hơn trong gia đình"?
- Tự chủ tiền bạc giúp tôi sống thư thái hơn. Trước đây khi ở nhà, bất kỳ điều gì phát sinh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, dù chồng luôn ủng hộ, tôi vẫn thấy không thực sự thoải mái.
Khi có thu nhập ổn định, tôi vui vì có thể loại bỏ những lo lắng tủn mủn, thoải mái làm mọi việc ưa thích cho chồng con.
Ngoài ra, tôi còn tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè, người thân. Trước đây, tôi thường mong trở thành phiên bản giống của người này hoặc người kia. Giờ đây, tôi lại là hình mẫu họ hướng tới mà ở đó, tôi cân bằng giữa việc kinh doanh và chăm sóc gia đình hạnh phúc.
- Dự định tương lai của chị?
- Mỗi năm, tôi luôn đặt mục tiêu mới trong kinh doanh lẫn cuộc sống. Doanh số năm sau phải cao hơn năm trước và nằm trên khả năng để bản thân nỗ lực hơn nữa. Có thể gọi đó là tham vọng.
Sau bốn năm vào thương trường, tôi nhận ra mục tiêu càng lớn, bạn càng có thêm động lực và thành công hơn. Nếu không có đích đến và hướng đi cụ thể, bạn khó có thể đạt được điều mình mong muốn. Tôi tính xây dựng và phát triển thêm nhiều cửa hàng Tupperware hơn nữa.
Hiếu Châu (ảnh: Nhân vật cung cấp)