Vợ chồng anh Sáu Tâm trú ở khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận (quận 12). Anh Sáu chạy Honda ôm ráng lắm cũng chỉ lay lắt qua ngày. Anh cho biết: “Nhờ bà cặm cụi may gia công quần xà lỏn mà lo được áo cơm đèn sách cho hai đứa con vào đại học”.
Gia đình chị Hòa có tới 5 miệng ăn, ngụ ở xã Tân Xuân (Hóc Môn) không có được tấc đất cắm dùi, cũng nhờ may quần xà lỏn mà vượt qua cảnh khó. Hai chị em Thúy, Lê quê ở bên bờ sông Hậu, lên Sài Gòn làm công nhân, mỗi ngày gò lưng suốt 10-12 tiếng đồng hồ bên dàn máy mà vẫn thiếu trước hụt sau. Chịu không xiết vì tăng ca liên tục nên hai cô bỏ công ty, về Bà Điểm thuê nhà lãnh quần xà lỏn may. Hơn năm nay cuộc sống đã dễ chịu nhiều và còn có của ăn của để. Thúy cho biết: “Với giá tiền từ 700-1.200 đồng/quần tùy cỡ lớn nhỏ, may tà tà cũng được 30-40 quần/ngày. Trừ tiền chỉ, tiền điện cũng còn 700-800 nghìn/tháng. Khỏe cái là không lệ thuộc giờ giấc và “nạn” tăng ca như ở xí nghiệp”.
Khu ngã tư Bảy Hiền, vùng Trung Chánh (quận 12), Bà Điểm, Tân Xuân (Hóc Môn) là những “cái nôi” sản xuất ra quần xà lỏn. Thợ may tại chỗ và các nơi tấp nập tới lui lấy hàng là những xấp vải đã được cắt sẵn theo ni, cỡ của trẻ em hoặc người lớn đem về may ra thành phẩm chiếc quần, sau đó giao lại cho chủ hàng. Những “trùm” xà lỏn ở khu Trung Chánh như ông H., anh T. hay bà A., chị L... trước đây đều xuất phát từ thợ may... xà lỏn. Giờ trở thành chủ hàng và khỏi phải nói, cơ ngơi nay của họ cũng thuộc hàng có cỡ... Từ đây, hàng vạn chiếc quần xà lỏn theo chân các bạn hàng đi về các chợ nhỏ chợ lớn, thành thị đến thôn quê rồi có mặt ở khắp mọi gia đình.
SGGP, 28/5