Hiện nay, Ban tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc đã nhận được gần 700 tác phẩm của gần 100 đơn vị dự thi, trong đó có 12 đơn vị tư nhân - lần đầu tiên tham gia Liên hoan với tư cách đơn vị độc lập. Riêng mảng phim truyện có 364 tập phim thuộc 11 bộ phim dài tập và 10 tập phim thuộc 3 bộ phim lẻ. Liên hoan năm nay thu hút gần 400 đại biểu từ gần 100 đơn vị làm truyền hình trong cả nước.
So với năm ngoái, Liên hoan năm nay có sự thay đổi về mặt thể loại. Chương trình sân khấu và chương trình quảng bá bị loại khỏi danh sách tham gia vì chỉ dành cho những đài lớn. Phim tài liệu và Phóng sự dài thay vì đứng riêng đã được gom chung vào một thể loại. Thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm quay trở lại dự thi sau một kỳ vắng mặt. Như vậy, từ 11 thể loại năm 2010, Liên hoan Truyền hình toàn quốc rút xuống còn 8 thể loại, gồm: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu và Phóng sự, Phóng sự ngắn, Các chương trình Chuyên đề và Khoa giáo, Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình ca nhạc, Phim truyện truyền hình. Đây cũng là lần cuối Phóng sự ngắn được tham dự vì thể loại này có tính thời sự cao nhưng khi đem đi tham dự liên hoan thường bị chỉnh sửa giảm tính chân thực. Thay vào đó, từ năm 2012, Đài truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc thi bình chọn riêng cho phóng sự ngắn.
Ông Nguyễn Hà Nam và bà Tạ Bích Loan đại diện Ban tổ chức trả lời thắc mắc báo giới về Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31. |
Thời gian làm việc cho các giám khảo cũng theo đó mà thay đổi, từ một tuần giảm xuống 4 ngày. Riêng thể loại phim truyện, các giám khảo bắt đầu chấm từ trước đó một tháng vì phải xem tới 400 tập.
Một điểm mới nữa của Liên hoan Truyền hình toàn quốc là việc mở rộng đối tượng dự thi. Nếu như ở kỳ liên hoan năm trước, các đơn vị ngoài khu vực nhà nước có sản xuất các chương trình truyền hình bắt đầu được tham dự liên hoan nhưng phải đăng ký theo đài truyền hình, đài phát thanh truyền hình phát sóng, thì năm nay các đơn vị này có thể tham dự liên hoan như các đơn vị độc lập, miễn là có giấy xác nhận chương trình đã phát sóng kèm theo.
Theo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban tổ chức, sự thay đổi này là để tạo thêm cơ hội cho các đơn vị tư nhân: "Lâu nay Liên hoan Truyền hình toàn quốc giới hạn đối tượng là các đài phát thanh truyền hình nhưng một tác phẩm khi lên sóng, khán giả không phân biệt ai sản xuất mà chỉ phân biệt chất lượng tốt hay không tốt. Bởi vậy, chúng tôi nhận thấy các đơn vị truyền thông, các công ty tư nhân đã đóng góp nhiều sản phẩm tốt thì không có lý do gì liên hoan truyền hình cả nước lại không có sự tham gia của họ. Nói như vậy không có nghĩa là những năm trước họ không được tham gia. Những năm trước, các đơn vị này phải nhờ quota của các đài truyền hình nên sự tham gia của họ trước đây chưa được bình đẳng".
Cũng theo thông tin từ Ban tổ chức, giải thưởng năm nay bao gồm 3 loại: huy chương vàng, huy chương bạc và bằng khen. Số tác phẩm được trao các giải thưởng này chiếm khoảng 40% số lượng tác phẩm dự thi, trong đó 5% là huy chương vàng, 10% là huy chương bạc và 25% là bằng khen. Lễ khai mạc và bế mạc liên hoan được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV Đà Nẵng vào 20h ngày 18/12 và ngày 21/12.
Nằm trong khuôn khổ Liên hoan, 3 cuộc hội thảo trao đổi nghiệp vụ cũng được tổ chức gồm có: Hội thảo đánh giá và quản lý chất lượng chương trình truyền hình, Hội thảo định hướng phát triển kỹ thuật ngành, Hội thảo về phối hợp sản xuất Trang địa phương và hợp tác trao đổi chương trình giữa VTV và các đài. Triển lãm kỹ thuật truyền hình và Triển lãm ảnh về hoạt động của ngành truyền hình cả nước cũng là những hoạt động bên lề đang chú ý trong kỳ liên hoan lần này.
Huy Phạm