Hector Moreno (PSV) có hối hận thế nào đi nữa, chân của Luke Shaw (Man Utd) cũng không thể liền lại. Nó gãy làm ba, chứ không phải gãy đôi như những ca chấn thương kinh hoàng trước đó của Francesco Totti, Alan Smith, Aaron Ramsey hay Djibril Cisse. Moreno sau trận đấu vẫn được UEFA vinh danh là cầu thủ hay nhất trận, nhưng anh có vui trọn vẹn không? Hay trong một giấc ngủ chập chờn, anh lại nghe thấy tiếng thét kinh hoàng của chàng trai trẻ bên Man Utd và những giọt nước mắt đau khổ của một người vốn đã bị chấn thương hành hạ suốt cả mùa trước, chỉ vừa tìm thấy lại niềm vui chơi bóng mùa này?
Bản thân Moreno từng gãy chân, cũng phải ngồi ngoài một thời gian dài, gậm nhắm nỗi buồn bất lực khi thấy các đồng đội tập luyện và thi đấu. Vậy mà anh vẫn ra hết chân trong pha xoạc bóng khủng khiếp ấy. Môn thể thao của đàn ông là phải lấy bạo lực để trả lại bạo lực sao? Anh từng căm hận kẻ ra chân với mình, sao nay lại nỡ vào bóng như triệt hạ một người khác?
Quế Ngọc Hải (SLNA) là một tài năng đang lên của bóng đá Việt Nam. Anh đá hay, có phong cách, lại có dáng dấp như một tài tử. Anh hoàn toàn có thể trở thành thần tượng số một của bóng đá Việt Nam trong tương lai. Nhưng cú xoạc bóng mà gầm giày cao ngang gối của anh dành cho Anh Khoa (Đà Nẵng) đã phá tan tất cả. Đúng là truyền thông và mạng xã hội đã làm quá lên trong tình huống ấy, nhất là khi Anh Khoa chưa... gãy chân như Luke Shaw, nhưng đấy vẫn là một pha vào bóng đáng trách.
Cú ra chân xoạc bóng được ví như một mũi tên, một khi tên đã rời khỏi cung thì không cách gì thu về được nữa. Thế nên một cầu thủ phải có trách nhiệm với pha xoạc bóng của họ. Nó được xem là nỗ lực cuối cùng để cứu cho đội nhà thoát thua trong vòng cấm. Vì sao FIFA lại ra luật đã xoạc bóng phạm lỗi trong vòng cấm thì vừa bị phạt đền và vừa bị thẻ đỏ? Bởi vì họ muốn một cầu thủ phải cực kỳ cân nhắc khi đưa ra một pha xoạc bóng. Các hậu vệ phải nhớ: một pha xoạc bóng luôn đi kèm với nguy cơ gây ra chấn thương cho đối phương. Một người có kỹ thuật tắc bóng hoàn hảo đến đâu đi nữa, vẫn có những tình huống xảy ra trong tích tắc có thể khiến gầm giày của họ không chạm vào bóng và đi vào thẳng mắt cá của đối phương?
Tắc bóng không nên, và cũng không bao giờ được xem là thước đo một hậu vệ giỏi. Người đánh chặn thông minh là người đoạt bóng mà không cần phải xoạc. Ngoại trừ Alessandro Nesta, các hậu vệ lừng danh cùng hoặc trước thời của anh một chút như Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Franco Baresi đều không dùng đến quả xoạc bóng nếu như họ không rơi vào tình huống không thể xử lý khác hơn. Đoán trước một pha chuyền bóng của đối phương rồi cắt, hoặc tì vai, hoặc giữ khoảng cách hợp lý luôn là phong cách xử lý của một trung vệ đẳng cấp.
Khi còn làm HLV, Sir Alex Ferguson từng phạm một sai lầm nghiêm trọng khi bán Jaap Stam cho Lazio. Khi ấy, ông trót tin vào những con số thống kê khi nó chỉ ra rằng Stam đã xoạc bóng ít hơn trước, tranh chấp 50-50 không còn hiệu quả như trước. Nhưng sau này ông đã hối hận vì những con số ấy chỉ nói lên một nửa sự thật. Stam không xoạc nữa vì anh có cách lấy bóng mà không cần phải xoạc. Anh không tranh chấp năm ăn năm thua nữa vì không để mình rơi vào tình thế phải đối mặt với đối thủ. Một hậu vệ tài ba là một người đứng ở chỗ cần đứng, biết dựa vào đồng đội và chiến thuật, chứ không phải là kẻ lao ầm ầm vào đối phương.
Tuy nhiên, đang có quá nhiều hậu vệ, đặc biệt là ở V-League, xem xoạc bóng là thước đo của một hậu vệ giỏi. Họ xoạc bóng để chứng tỏ sự quyết tâm - môn chơi của những người đàn ông mà, xoạc để dằn mặt - kiểu như "đừng có múa may với đàn anh của chú nhé", xoạc để phòng ngự - lấy bóng thôi mà... Dần dà, V-League trở thành một nơi trưng bày những pha vào bóng ác nghiệt. Dân trong nghề từng nói khi đá bóng với Huy Hoàng, đừng bịt ống đồng làm gì mà nên mang áo giáp, bởi cựu cầu thủ SLNA sẵn sàng đạp từ thắt lưng trở lên chứ không vào từ gối trở xuống.
Bản thân Huy Hoàng cũng dính một chấn thương nhớ đời sau một pha phản đòn của Samson. Nhiều người nói đấy là quả báo của một người đã chuyên gieo rắc chấn thương cho người khác. Điều đó có thể là ác miệng, nhưng không vô lý. Bởi V-League đang là diễn đàn của những cú xoạc bóng. Xoạc hoặc... bị xoạc, săn hoặc... bị săn.
Quế Ngọc Hải từng dính một ca gãy chân khi 17 tuổi, nay anh trao nguy cơ gãy chân cho một người khác. Đấy có lẽ mãi là câu chuyện buồn của bóng đá, khi người ta xem "giải pháp cuối cùng" như một "giải pháp tối ưu". Mong Ngọc Hải và các hậu vệ của V-League nhớ rằng: xoạc bóng luôn là con dao hai lưỡi. Nó giúp ta thắng một pha bóng, nhưng cũng có thể biến ta thành gã đồ tể. Nó giúp ta gây đau đớn cho đối phương nếu ta có ý dằn mặt, nhưng cũng có thể khiến ta lĩnh trọn pha phản đòn nếu đối thủ cũng xấu chơi... như ta.
Bóng đá, từ trong nước đến quốc tế, đã có biết bao câu chuyện buồn rồi.
Hoài Thương