Cụ thể, các tuyến dưới 100 km sẽ áp dụng mức tăng là 10%; các tuyến đường dài hoặc chạy Bắc - Nam sẽ tăng khoảng 8%. Trong đó, các tuyến ngắn: Hà Nội - Thái Bình tăng từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng; tuyến Nam Định - Hà Nội tăng từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng; Thái Bình - Quảng Ninh tăng từ 60.000 lên 70.000 đồng…
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe phía Nam (Hà Nội) cho biết, chắc chắn đầu tuần tới các doanh sẽ đồng loạt đòi tăng giá, vì những lần tăng giá xăng dầu trước, thường sau một tuần giá cước vận tải các tuyến liên tục được điều chỉnh. Lần này cũng không nằm ngoài quy luật trên.
Xe khách rục rịch chờ tăng giá. Ảnh: Xuân Tùng |
Theo ông Thành, nguyên nhân giá cước vận tải chưa thể tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng là do, thông thường muốn tăng giá cước doanh nghiệp phải có công văn xin với Sở Tài chính và Hiệp hội vận tải (chủ yếu để báo cáo), sau đó 7 ngày sẽ điều chỉnh giá vé. "Với mức tăng giá xăng dầu 30% như hiện nay thì giá cước vận tải sẽ tăng từ 15-20%", ông Thành dự báo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thì cho rằng, việc tăng giá xăng dầu vừa qua đã đẩy ngành vận tải ôtô vào thế kẹt. Mặc dù đã lường trước việc này, song ông vẫn cảm thấy bất ngờ, hơn nữa mức tăng quá lớn.
Ông Hùng cho biết, ngay sau khi xăng dầu tăng giá, một số doanh nghiệp vận tải, xe buýt ở Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh đã xin dừng hoạt động và rút bớt chuyến, tuyến. "Hiện chi phí cho xe chạy xăng đã tăng thêm ít nhất 16% và xe chạy dầu tăng thêm 10% đang đẩy các doanh nghiệp vận tải ôtô Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn", ông Hùng nói.
Ông Vũ Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long tiết lộ, trong đợt tăng giá xăng dầu quý II/2008, Hoàng Long đã phải "ngậm đắng nuốt cay" 13 tỷ đồng tiền lỗ, vì vậy dù có muốn cạnh tranh nhưng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá cước.
Ông Tuyến tính toán, mỗi chuyến xe chạy Bắc - Nam 45 ghế, trước đây chi phí trần là 16 triệu đồng, nay đã tăng lên 18 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ làm vận tải khách thời gian qua không kham nổi mức chi phí quá lớn, đã bỏ tuyến. "Chúng tôi đang tính sẽ tăng thêm 10% giá cước", ông Tuyến thẳng thắn.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thủy số 3 (Tổng Công ty Vận tải thủy cho biết, với giá dầu diesel hiện nay 15.950 đồng một lít, tăng 2.000 đồng so với thời điểm trước 10 giờ sáng ngày 21/7/2008 thì theo tính toán 6 tháng cuối năm 2008, công ty phải chịu lỗ thêm khoảng 1,4 tỷ đồng.
Để đảm bảo kế hoạch năm 2008, ông Bắc cho biết, không còn cách nào khác, Công ty phải chấp nhận sự cạnh tranh bằng việc đầu tư chiều sâu, đổi mới phương tiện và mở rộng các hình thức kinh doanh đa ngành, tăng giá cước và tăng giá dịch vụ để tăng doanh thu, “đẩy” doanh thu từ vận tải lên để bù lỗ.
Xuân Tùng