Thùy Tiên, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết từ cuối tháng 4, chủ đề meme coin bỗng được thảo luận sôi nổi trên khắp các hội nhóm về tiền mã hóa tại Việt Nam sau khi token Pepe xuất hiện. Do hoài nghi, Tiên chỉ bỏ ra 10 USD để mua 25 triệu Pepe và một tuần sau, giá trị tài khoản đã tăng lên 10 lần. Hàng loạt meme coin khác cũng nở rộ khiến thị trường sôi động trở lại.
Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, Pepe ra mắt ngày 14/4 và lập đỉnh hôm 5/5 khi cán mốc 0,000004 USD, vốn hóa thị trường 1,63 tỷ USD. Sau chưa đầy một tháng, token này tăng hơn 6.000%.
Điều khiến Pepe khác biệt là nó được xây dựng trên tiêu chuẩn BRC-20 của Bitcoin, thay vì ERC-20 của Ethereum như trong cơn sốt meme coin trước đây. Trang CoinTelegraph thống kê, ngoài Pepe, đang có hơn 8.500 token khác được đúc theo BRC-20, phần lớn là meme coin.
Những token như Pepe dù được nhiều người săn đón nhưng không mang lại giá trị cốt lõi nào cho cộng đồng, ngoài mục tiêu "đầu tư cầu may''. Trên trang chủ dự án, nhà phát triển nói: "Pepe chỉ là meme coin, không có giá trị nội tại hoặc kỳ vọng về lợi nhuận tài chính. Dự án không có đội ngũ quản lý chính thức hoặc lộ trình phát triển. Token này hoàn toàn vô dụng và chỉ dùng cho mục đích giải trí".
Dù đã tuyên bố vô giá trị, những đồng tiền số mới này vẫn có số người tham gia lớn. Dữ liệu từ YCharts cho thấy ngày 3/5, phí giao dịch trên chuỗi khối Bitcoin đạt 3,5 triệu USD, tăng 400% so với cuối tháng 4. "Sự điên cuồng của giao dịch meme coin như Pepe khiến phí giao dịch của Bitcoin bị đẩy lên 7,2 USD - mức cao nhất nhiều năm qua", Cointelegraph nhận xét.
Cơn sốt meme coin trên BRC-20 cũng được xem là nguyên nhân khiến Binance phải hai lần đóng lệnh rút Bitcoin do khối lượng chờ giao dịch quá lớn vào ngày 7/5 và 8/5. Theo mempool.space, trong lần đóng đầu tiên, trên Mempool - khu vực chờ được xác minh trên mạng Bitcoin - tồn đọng khoảng 400.000 giao dịch chờ xử lý. Ở lần đóng cửa thứ hai, con số này đã tăng lên 485.000 giao dịch, cho thấy meme coin đang tạo ra "sự điên cuồng" trong cộng đồng tiền số.
Lần theo những giao dịch lớn, các nhà phân tích cho biết không ít người đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ Pepe. Theo công ty Lookonchain, năm địa chỉ lớn đã kiếm được 1,23 triệu USD khi mua 8,87 nghìn tỷ Pepe với giá thấp và bán ra khi giá tăng.
Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về meme coin. Tuy nhiên, nhắc đến thuật ngữ này, nhiều người nghĩ đến các đồng tiền số lấy cảm hứng từ hình ảnh phổ biến trên Internet hoặc sự kiện diễn ra trong thực tế. Khác với các dự án tiền mã hóa nổi tiếng như Bitcoin, Ethereum, meme coin sinh ra với mục đích giải trí, không có giá trị kỹ thuật nền tảng hay giải quyết bài toán nào trong cuộc sống. Phần lớn người chơi meme coin là để giải trí hoặc đầu cơ.
Theo Forbes, meme coin đã vượt khỏi ranh giới trò đùa và xây dựng được một vị trí riêng. Hai đại diện Dogecoin và Shiba từng vào danh sách những đồng tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Pepe mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng cán mốc tỷ USD và xếp thứ 52 trên thị trường, tính đến 8/5.
Tuy vậy, điểm chung của meme coin là thường ăn theo sự kiện thời sự, "vòng đời" rất ngắn, giá có thể nhanh chóng đạt đỉnh rồi đột ngột lao dốc. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ của những kẻ lừa đảo. Nhà phát triển meme coin có thể tạo ra hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ token, với giá nhỏ hơn nhiều mỗi cent, khiến nhiều người sẵn sàng mua với tâm lý "chỉ là khoản tiền nhỏ, chấp nhận có thể mất trắng".
Ví dụ, sau đêm trao giải Oscas 2022, người mua có thể sở hữu đồng Will Smith Inu chỉ với 0,0000002176 USD. Tháng 11/2021, meme coin ăn theo bộ phim ăn khách Squid Game cũng tăng giá tới 230.000% trong một tuần lên 2.860 USD. Sau đó, nhà phát triển dự án bất ngờ biến mất với 3,3 triệu USD tiền của các nhà đầu tư, khiến giá đồng này tụt về 0.
Khương Nha