Thứ năm, 29/8/2024, 07:00 (GMT+7)

Từ lỗ nghìn tỷ đến cú 'ngược dòng' của ông lớn bán lẻ Việt

Thay tên, loại bỏ những danh mục kém hiệu quả, tái cấu trúc mô hình cửa hàng giúp WinCommerce ngược dòng, đạt lợi nhuận ròng sau 5 năm về tay Masan.

Tiếp quản WinCommerce năm 2019 từ Vingroup, Masan nhận hoài nghi về việc "bao giờ có lãi". Ra đời từ 2014, VinCommerce (tiền thân của WinCommerce) là một trong những chuỗi cửa hàng có quy mô lớn nhất cả nước, liên tục tăng trưởng doanh thu nhưng chưa bao giờ đạt điểm hòa vốn. "Làm sao để kinh doanh hiệu quả từ một mảng thua lỗ?" là bài toán khó cần giải của Masan.

Nhưng sau 5 năm, bài toán trên đã có đáp số. Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy chuỗi WinCommerce với các cửa hàng WinMart, WinMart+, WiN lần đầu ghi nhận lãi ròng. Sau hơn 10 năm có mặt trên thương trường, "có lãi" là minh chứng cho những chiến lược hiệu quả, giúp chuỗi cửa hàng bán lẻ tiêu dùng lớn nhất Việt Nam thay da đổi thịt.

Người dân mua hàng tại siêu thị WinMart. Ảnh: Masan

Chiến lược "ve sầu thoát xác"

Trước khi được Masan mua lại, mảng bán lẻ của Vingroup (gồm VinCommerce, VinPro, VinID) ghi nhận đà tăng doanh thu tốt, vượt mốc 23.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, công ty mẹ chưa hề mang về khoản lời nào suốt hơn 5 năm vận hành. Ngược lại, tổng lỗ trước thuế suốt 5 năm lên đến hơn 17.400 tỷ đồng.

Mua lại VinCommerce thời điểm 2019 là thương vụ lớn của Masan. Thời điểm đó, Vincommerce sở hữu khoảng 2.800 cửa hàng VinMart, VinMart+ với độ phủ khắp cả nước. Còn Masan, hoạt động kinh doanh chủ yếu vẫn xoay quanh mảng tiêu dùng. VinMart được xem là mảnh ghép còn thiếu để hoàn thiện hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ, phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam. "Đôi khi lùi một bước là cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt", ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan nói.

Masan nhìn thấy lợi ích và tầm nhìn chiến lược trong dài hạn khi thâu tóm VinCommerce là sở hữu mạng lưới kênh phân phối quy mô lớn. Nhưng bài toán trước mắt của Masan là kinh doanh hiệu quả để tránh gánh khoản lỗ khổng lồ, bào mòn sức khỏe doanh nghiệp trên cuộc đua đường dài. Điều này đồng nghĩa với việc Masan không thể lựa chọn chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, tăng số lượng cửa hàng giống Vingroup đã làm trước đó. Ngược lại, dựa trên những gì đang có, ông lớn ngành bán lẻ phải làm mới chính mình, thay đổi để tạo sự mới lạ, cuốn hút hơn.

Bước đi đầu tiên của đơn vị là thay tên Vincommerce thành WinCommerce. Tương tự, VinMart, VinMart+ khoác áo mới, thành WinMart và WinMart+. Cách thay đổi thương hiệu này thời điểm đó được xem là bước đi khéo léo vì không gây ra sự xáo trộn, ít tốn kém và không làm thay đổi nhận diện với người tiêu dùng.

Năm 2020, trong số gần 3.000 cửa hàng sở hữu, chỉ có 20% đạt điểm hòa vốn EBITDA vận hành. Tại thời điểm này, biên EBITDA của doanh nghiệp ghi nhận lỗ 10%. Để cải thiện biên lợi nhuận, Masan mạnh tay đóng cửa hơn 700 cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, sắp xếp lại danh mục hàng hóa, tăng hàng tươi sống, tăng đàm phán để giảm chi phí mặt bằng.

Siêu thị WinMart đáp ứng nhu cầu mua sắm với tỉ lệ hàng Việt cao. Ảnh: Masan

Bất chấp đóng cửa hàng loạt, doanh thu thuần của WinCommerce 2020 đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Biên EBITDA liên tục được cải thiện từ âm 4,8% vào quý I, âm 8,4% vào quý II, âm 3% trong quý III và cuối cùng là dương 0,2% vào quý IV/2020. Tuy chưa thể mang về lợi nhuận, toàn chuỗi đã đón những tín hiệu tích cực hơn.

"Những bước đi đầu tiên phần nào cho thấy hiệu quả và tiềm năng dài hạn khi chúng tôi gia nhập thị trường bán lẻ tiêu dùng đầy cạnh tranh", đại diện WinCommerce nói.

Tìm hướng "bơi" ngược dòng

Doanh thu tăng, EBITDA dương tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ lãnh đạo cho giai đoạn tiếp theo. Hai năm sau khi về tay Masan, WinCommerce chọn chiến lược tiếp theo với trọng tâm là hệ sinh thái Point of Life.

Với Point of Life, WinMart và WinMart+ đóng vai trò hạt nhân, nơi người dùng có thể tìm thấy mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Không chỉ hàng tiêu dùng, chuỗi cửa hàng còn cung cấp dịch vụ tài chính, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Từ giữa năm 2021, hàng loạt tiện ích như kiosk Phúc Long, nhà mạng Wintel (tên cũ Reddi), chăm sóc sức khỏe, tiện ích tài chính của Techcombank đã được đưa vào bên trong các cửa hàng WinMart+. Để hỗ trợ các cửa hàng mở mới tăng khả năng thành công, đạt điểm hòa vốn nhanh hơn, Masan mua 25% cổ phần của Trusting Social, một công ty công nghệ chuyên phát triển AI, Machine Learning trong lĩnh vực tiêu dùng, tài chính cá nhân với khoản đầu tư 65 triệu USD. Đẩy mạnh các giải pháp số, công nghệ vào hoạt động kinh doanh giúp mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn cho người tiêu dùng, là "át chủ bài" của WinCommerce và Masan trong thị trường cạnh tranh khốc liệt

Quầy hàng tươi sống tại siêu thị WinMart. Ảnh: Masan

WinCommerce duy trì tỷ lệ hàng hóa nội địa hơn 90%. Nhà bán lẻ này đẩy mạnh các mặt hàng nhãn riêng như WinMart Good (thực phẩm khô); WinMart Cook (thực phẩm chế biến); WinMart Home (đồ gia dụng); WinMart Care (chăm sóc cá nhân), với giá rẻ hơn 10-20% so với mặt bằng chung. Chính sách về giá tạo sức hút, kéo khách hàng mua sắm nhiều hơn.

Cuối năm 2021, trải qua giai đoạn sóng gió vì dịch bệnh Covid-19, nhà bán lẻ vẫn đạt doanh thu 30.900 tỷ đồng, ngang bằng 2020. Sang năm 2022, doanh thu thuần đạt 29.369 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp năm 2022 đạt 6.802 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Biên lợi nhuận gộp đạt 23%, cải thiện so với mức 20% trong năm 2021.

Chuỗi cửa hàng cải thiện được lợi nhuận gộp nhờ tiết kiệm được chi phí vận hành, logistics. Đóng góp chủ yếu trong khoản tiết kiệm này đến từ Supra - đơn vị logistics nội bộ của Masan. Đầu năm 2022, Masan thành lập Supra với mục tiêu ban đầu là phục vụ hệ sinh thái của tập đoàn, giúp người tiêu dùng và đối tác tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Sản lượng hàng giao qua hệ thống Trung tâm phân phối Supra chiếm khoảng 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce. Các kho khô vận chuyển khoảng từ 454 tấn hàng hóa mỗi ngày, 11.805 tấn hàng hóa mỗi tháng. Kho lạnh vận chuyển khoảng 275 tấn hàng hóa mỗi ngày và 8.250 tấn hàng hóa mỗi tháng.

Nhờ công nghệ học máy, Supra xây dựng hệ thống có khả năng tính toán, lên đơn hàng, điều phối các chuyến xe từ kho hàng đến điểm bán với thời gian nhanh chóng, lộ trình tối ưu, đồng thời giảm chi phí vận chuyển. Hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết tình trạng tồn kho hay thiếu hàng tại các điểm bán. Supra giúp WinCommerce tiết kiệm 11%chi phí logistic, đảm bảo hàng hóa luôn được giao đúng hạn, luôn tươi ngon. Đây cũng là yếu tố giúp kéo khách ra cửa hàng nhiều hơn. Song song đó, chuỗi cửa hàng vẫn tiếp tục mở thêm khoảng 700 điểm bán mới khắp cả nước.

"Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những bước đầu trong hành trình tái cấu trúc. 2023 mới là giai đoạn chúng tôi bắt đầu các sáng kiến nhằm bứt phá, đưa chuỗi bán lẻ trở thành đế chế đứng đầu với biên lợi nhuận cao tại thị trường trong nước", đại diện WinCommerce nói.

Những "động lực" giúp WinCommerce tăng tốc

Sau 4 năm, WinCommerce đã xây dựng được hệ thống khoảng 3.000 điểm bán khắp Việt Nam. Doanh nghiệp có hệ sinh thái Point of Life, hệ thống logistics nội bộ giúp tiết kiệm chi phí. Năm 2023 là lúc nghĩ đến những kế hoạch lớn hơn.

Lãnh đạo Masan cho biết quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hơn 50 tỷ USD. Trong đó, các kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 7 tỷ USD. Cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa và tăng thu nhập, người dân chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại được dự báo tăng. Tiềm năng của chuỗi cửa hàng còn rất nhiều. Bài toán đặt ra với Masan và WinCommerce là làm sao đưa khách hàng tiếp cận tốt hơn với các kênh hiện có.

Từ suy nghĩ này, ông lớn bán lẻ thêm lần nữa tái cấu trúc các cửa hàng. Không chỉ "thay da" mà còn phải "đổi thịt". Trên cơ sở các cửa hàng WinMart+, chủ sở hữu phân tách thành hai mô hình khác nhau là WiN và WinMart+ Rural. WiN ưu tiên yếu tố "Tươi ngon thượng hạng" đi kèm các dịch vụ hiện đại để phục vụ nhóm cư dân thành thị. WinMart+ Rural mở ở các khu vực nông thôn, chủ yếu bán các mặt hàng FMCG có giá bình ổn.

Cửa hàng WiN phục vụ khách hàng thành thị. Ảnh: Masan

Trong đó, với kỳ vọng hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam, khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của WinCommerce. Các cửa hàng này ưu tiên hàng nội địa, giá tốt nhờ liên kết với hơn 200 nhà cung cấp nông sản, hợp tác xã, nông dân. Với danh mục sản phẩm ngoại. Đơn vị ký kết trực tiếp với các nhà cung cấp nước ngoài, giảm bớt khâu trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm.

WinCommerce cũng tiếp tục duy trì các nhãn riêng bao gồm: Gạo Ngọc Nương, WinMart Good (thực phẩm khô), WinMart Cook (thực phẩm chế biến), WinMart Home (đồ gia dụng), WinMart Care (chăm sóc cá nhân).

Một quân bài chiến lược khác giúp các điểm bán duy trì sức hút là chương trình hội viên WIN, triển khai từ 2023. Hội viên sẽ nhận ưu đãi 20% cho các mặt hàng thịt MEATDeli và rau WinEco.

Việc WinCommerce chủ động triển khai các phương án trên nhằm tối ưu các khoản phí, giúp người tiêu dùng giảm nỗi lo giá cả. Loạt chiến lược này không chỉ kích thích tiêu dùng, gia tăng doanh số cho chuỗi bán lẻ, mà còn đóng góp vào tổng cầu chung của cả nước.

Trong báo cáo Quý II, hai mô hình cửa hàng WiN và WinMart+ Rural lần lượt đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,3% và 10,7%, so với 5,2% của các cửa hàng minimart khác. Còn với chương trình hội viên WIN, sau hơn một năm đã thu hút 10 triệu người đăng ký. Giá trị đơn hàng của hội viên cao gấp đôi so với mức bình thường.

Những điều chỉnh này mang về "quả ngọt" cho Masan sau hơn 5 năm. Hiện tại, WinCommere là nhà bán lẻ dẫn đầu quy mô điểm bán, đóng góp đến một phần ba tổng doanh thu cho tập đoàn. Trong quý II/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.844 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu nửa đầu năm đạt 15.800 tỷ đồng. Lần đầu tiên, hoạt động kinh doanh mang về lợi nhuận ròng dương. Từ mảng kinh doanh thua lỗ nghìn tỷ, đơn vị từng bước xây móng để đạt sự phát triển bền vững, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì doanh thu, lợi nhuận trong nửa cuối năm và sau này.

Theo kế hoạch, doanh thu thuần có thể đạt đến 33.000 tỷ, mức cao nhất từ trước đến nay. Hướng về nửa cuối năm nay, WinCommerce sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu tối ưu lợi nhuận bằng cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng Like-For-Like lên 8-9% so với cùng kỳ. Tốc độ mở cửa hàng cũng được đẩy nhanh với mục tiêu thêm 100 điểm bán mỗi quý, tăng trưởng vị thế ở khu vực nông thôn. Đơn vị đặt mục tiêu tăng số điểm bán từ gần 3.700 lên 4.000 ngay trong năm. Chính sách hội viên sẽ có thêm các ưu đãi để thu hút thêm hàng triệu người.

"Phục vụ đầy đủ nhu cầu đa dạng của 100 triệu dân Việt Nam bằng những mô hình bán lẻ hiện đại với sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý là động lực để chúng tôi duy trì vị thế dẫn đầu thị trường trong dài hạn", đại diện Masan chia sẻ.

Nội dung - Đồ họa: Hoài Phương