Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay ra quyết định bãi miễn chức vụ thường vụ đảng ủy khu tự trị Tân Cương của Trung tướng Bành Dũng, tư lệnh quân khu Tân Cương. Thay thế vị trí của ông là Thiếu tướng Lưu Lôi, chính ủy quân khu, tờ báo nhà nước Xinjiang Daily đưa tin.
Theo AFP, việc ông Bành mất chức vụ đảng quan trọng, dự báo khả năng ông này có thể bị bãi miễn chức vụ tư lệnh quân khu trong thời gian không xa.
Truyền thông Trung Quốc không giải thích về lần điều động nhân sự này nhưng quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các phần tử cực đoan Duy Ngô Nhĩ được xác định tiến hành vụ tấn công khủng bố tại quảng trường Thiên An Môn, hôm 28/10 khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương.
Ông Mạnh Kiến Trụ, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp, phát biểu hôm 1/11 rằng "những kẻ ủng hộ sau hậu trường là nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) tại Trung và Tây Á". Tuy nhiên, ông Mạnh không tiết lộ thêm chi tiết và bằng chứng cụ thể sau lời buộc tội kể trên.
Theo cảnh sát, ba nghi phạm khủng bố chết trong chiếc xe gây án là người trong một gia đình, người lái xe Usmen Hasan đi cùng với mẹ và vợ. AFP dẫn nguồn đài RFA cho rằng Usmen Hasan thực hiện hành vi trên nhằm trả thù cá nhân. Người thân của nghi phạm này đã chết trong các vụ xung đột tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, hồi năm 2009. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được các cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận.
Bắc Kinh cho hay các chính sách và đầu tư vào Tân Cương, khu tự trị ở miền tây bắc Trung Quốc, đã mang lại nhiều phát triển to lớn ở khu vực này. Kinh tế Tân Cương đã tăng 10,8% lên 570 tỷ nhân dân tệ (94 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, Tân Cương vẫn là nơi thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực mà Bắc Kinh gọi là tấn công khủng bố. 35 người đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ hồi tháng 6 và 139 người đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây vì truyền bá tư tưởng thánh chiến.
Vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Tân Cương xảy ra năm 2009 do mâu thuẫn giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, làm gần 200 người thiệt mạng.
Đức Dương