Lễ cưới kết thúc, trên đường về ông quằn quại vì các cơn đau nên được xe rước dâu đưa vào bệnh viện ven đường. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch chủ bụng, chuyển khẩn lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), bệnh nhân nguy kịch, sốc mất máu, tụt huyết áp, tri giác lơ mơ, tiếp xúc chậm. Bác sĩ xác định bệnh nhân vỡ túi phình động mạch chủ bụng đường kính 71 mm, mổ cấp cứu.
Ê kíp phẫu thuật Tim - Mạch máu, gây mê hồi sức khẩn trương cứu bệnh nhân. Đoạn động mạch chủ vỡ khiến ổ bụng chảy nhiều máu, bệnh nhân nguy cơ tử vong trên bàn mổ. Kíp mổ kẹp cầm máu, kiểm soát kịp thời tình hình. Bác sĩ đặt ống ghép mạch máu nhân tạo vào trong động mạch chủ bụng, thay thế cho đoạn động mạch phình bị vỡ.
Người bệnh được truyền 4 đơn vị máu trong quá trình phẫu thuật. Một tuần hậu phẫu, bệnh nhân đi lại được, ăn uống tốt, các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Phình động mạch chủ bụng là tình trạng động mạch bị giãn ra to hơn bình thường, thành mạch dần yếu, mỏng, có nguy cơ vỡ đột ngột dưới áp lực máu. Đây là động mạch lớn nhất dẫn máu từ tim đến các cơ quan và các mô ở nửa phần dưới của cơ thể. Vỡ túi phình có thể làm người bệnh tử vong bất cứ lúc nào.
Phình động mạch chủ thường bị bỏ qua hoặc vô tình phát hiện khi thăm khám một bệnh lý khác qua siêu âm bụng, sờ thấy khối u trong bụng đập theo nhịp tim. Cần khám kiểm tra sức khỏe, siêu âm định kỳ, đặc biệt là người lớn tuổi để phát hiện bệnh. Điều trị phình động mạch bằng cách phẫu thuật hoặc đặt stent nội mạch.
Phần lớn trường hợp phình động mạch chủ bụng không có biểu hiện về mặt lâm sàng. Khi có dấu hiệu đau bụng, ngất, da niêm nhạt... cần đến bệnh viện kịp thời để cấp cứu.