![]() |
Chim giẻ cùi Siberia. |
Tiến sĩ Jan Ekman, Đại học Uppsala ở Thụy Điển, đã nghiên cứu chim giẻ cùi Siberia trong hơn một thập kỷ qua. Loài chim này sống trong những rừng lá kim rậm rạp ở miền bắc Thụy Điển, ngay bên dưới vòng Bắc cực. Chúng giấu chiếc tổ của mình trong những tán lá thông và vân sam cao chót vót, mà bằng mắt thường rất khó nhận thấy. Để biết được nơi ở của chim giẻ cùi, các nhà khoa học bắt những con chim trống trong mùa xuân, gắn thiết bị phát tín hiệu radio vào lông đuôi của chúng và thu lại những thông tin này. Các thiết bị được gắn đuôi chim sẽ tự hủy trong vòng 1 năm sau đó.
Nghiên cứu mới nhất của Ekman và cộng sự được thực hiện trên 9 cặp chim anh em, cùng nở vào mùa xuân năm 2000. Khi đã đủ lông đủ cánh, trong mỗi cặp này đều có một con ở lại tổ, con còn lại bay đi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những con ở lại to lớn hơn và mạnh mẽ hơn (tính theo kích cỡ, cân nặng và số lần chiến thắng trong các cuộc xung đột).
![]() |
Gõ kiến mào đỏ làm tổ rất lộ liễu trên những cây thông. |
Giống với chim giẻ cùi, những con gõ kiến mào đỏ sống ở miền đông bắc nước Mỹ cũng trì hoãn việc rời tổ nếu được cha mẹ cho phép. Thông thường, chúng kéo dài thời gian dựa dẫm này thêm một năm trời hoặc lâu hơn nữa.
Lý giải về điều này, Ekman cho rằng lũ chim con hẳn phải được lợi lộc gì đó trong việc hoãn thời gian tự lập, vì chúng cạnh tranh nhau để được ở lại tổ. Khi xung đột xảy ra giữa các con chim non cùng lứa, chỉ những con thua cuộc mới phải ra đi. Lợi ích trực tiếp đó có thể là một lãnh thổ kiếm ăn tốt, được cha mẹ nhân nhượng hơn khi kiếm ăn gần đó, và cơ hội được vỗ béo trước khi bắt tay vào công việc khó khăn hơn: trang hoàng cho chiếc tổ của chính mình.
B.H. (theo NYT)