Chiều cuối năm, đứng nhìn cánh rừng bạt ngàn rộng hàng trăm ha ở bản Phú Lâm, xã Phú Gia, ông Hòe nói: "Đời tôi từng mắc nợ với thiên nhiên".
Năm 2003, ông Hòe 38 tuổi, dân tộc Lào, đã cưới vợ, sinh được 4 người con trai, sống trong căn nhà tạm lụp xụp ở bản Phú Lâm. Gia đình 6 miệng ăn chỉ sống nhờ rau rừng. Nguồn thu nhập lớn nhất đến từ việc đi rừng đào củ mài, củ sắn, hái lá nón đem về bán. "Ai thuê gì tôi làm nấy, không nề hà, miễn là có tiền mua gạo", ông Hòe nhớ lại.
20 năm trước, khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm ha tại bản Phú Lâm có nhiều cây gỗ quý như lim, dổi, sến, táu... Đầu nậu, lâm tặc thấy bà con ở đây nhận thức thấp nên thường vào thuê họ đi chặt cây tuồn ra bìa rừng.
"Biết tôi am hiểu mọi ngóc ngách ra vào rừng, lâm tặc đã tiếp cận thuê. Thấy nhiều người đã làm nên tôi nhận lời, lúc đó không nghĩ việc này là vi phạm pháp luật", ông kể.
Thời gian làm việc cho lâm tặc, hàng ngày ông Hoè kéo những khúc gỗ quý đã bị đốn ra bìa rừng, bưng lên xe kéo để đầu nậu đưa đi bán. Mỗi ngày làm bốn tiếng, ông nhận tiền công 30.000 đồng.
Nhận thấy việc vác gỗ thuê thu nhập thấp, làm được nửa năm, ông Hòe tậu thêm trâu bò, sắm xe kéo, tự mình vào rừng chặt gỗ, đem bán trực tiếp cho lâm tặc để thu lợi nhiều hơn. Mỗi lần đi rừng khoảng hai ngày, ông chặt được 1-2 m3 gỗ đem về bán được hơn 100.000 đồng.
Ông Hòe tâm sự, năm 2003, 100.000 đồng là rất lớn, mua được hơn một yến gạo ăn trong nhiều ngày. Tiền thu từ việc bán gỗ ông tích góp sửa nhà, sắm thêm nhiều vật dụng quan trọng, lo cho con ăn học.
Giữa năm 2005, khi đang chặt gỗ trong rừng Phú Lâm, ông Hòe bị Hạt kiểm lâm huyện Hương Khê bắt, đưa về trụ sở viết biên bản, lấy lời khai trong nhiều tiếng. Ông kể ban đầu rất sợ và lo lắng. Khi nghe cán bộ phân tích rừng là là phổi xanh, tấm lá chắn ngăn lũ quét, sạt lở đất, nếu chặt hết đi thì chính người dân sẽ phải chịu hậu quả khi thiên tai ập đến, lúc đó mới biết hai năm qua mình làm sai.
Lần đó ông Hòe bị nhắc nhở và cảnh cáo, không bị phạt tiền. Nghỉ làm lâm tặc, cuộc sống gia đình ông Hòe lại rơi vào khó khăn, đôi lúc ông định tặc lưỡi: hay gạt sự hối hận sang một bên, bất chấp tất cả để kiếm tiền.
"Rồi tôi tự trả lời, liệu đồng tiền đó có bền không. Lỡ nếu tiếp tục bị bắt, vướng vào pháp luật, sau này con cái lớn lên hiểu chuyện, sẽ ứng xử thế nào với bạn bè khi bố của chúng là một lâm tặc", ông Hòe kể.
Thời gian sau, ông Hòe vẫn vào rừng, song chỉ hái măng, nhặt củi đem về bán, không còn đốn gỗ như trước. Tiền kiếm được đôi lúc không đủ trang trải cuộc sống, song vợ con ủng hộ ông, có ít thì dùng ít.
"Năm 2006, gia đình tôi cải tạo đồi núi trồng keo, nuôi thêm gà, lợn. Lúc đầu phải vay mượn nhiều, rồi qua thời gian, đời sống dần cải thiện. Ý định chặt trộm gỗ biến mất trong đầu tôi từ lúc nào không hay", ông Hòe nói.
Đến năm 2009, ông Hòe được người dân bầu làm trưởng thôn Phú Lâm, với 106 hộ, hơn 600 nhân khẩu. Thấy nạn phá rừng vẫn hoành hành, hàng đêm ông đến từng nhà vận động bà con trồng rừng xen canh với cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo thu nhập.
Năm 2015, vị trưởng thôn làm đơn gửi chính quyền xin tham gia khoán bảo vệ gần 240 ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 225, 228 (thuộc khu vực rừng Rào Cam, xã Phú Gia, giáp biên giới Việt Lào). Cách hai ngày, ông Hòe đi bộ qua 7 con suối với quãng đường hơn 15 km quanh khu vực rừng phòng hộ sông Tiêm để canh gác. Chiều hôm sau khi việc đi tuần kết thúc thì trở về nhà. Những hôm trời mưa lớn, nhiều lúc leo dốc trượt ngã, chân tay bị đá rạch, máu chảy là thường tình.
Một lần đi tuần, ông Hòe thấy ba thanh niên đang chuẩn bị dùng cưa máy đốn hạ một cây gỗ liền chạy đến yêu cầu dừng lại. Nhận ra là người quen trong bản Phú Lâm, ông rủ tất cả ngồi bệt giữa rừng trò chuyện, hỏi han tình hình về cuộc sống gia đình, khuyên nên tìm con đường khác. Bởi nếu phá rừng, sau này nghĩ lại sẽ rất dằn vặt lương tâm. Nghe xong, ba người này xin lỗi rồi rời đi.
Ngoài giữ rừng, ông Hòe còn nhận thêm 19 ha rừng ở bản Phú Lâm để trồng keo tràm, 500 gốc cam, bưởi; dựng trại nuôi 20 con lợn rừng, 20 con bò, 7 con trâu và một đàn gà, cho thu nhập mỗi năm khoảng 120 triệu đồng.
Bốn con trai ông Hòe đã lập gia đình, ba cậu con đầu đang cùng ông làm trang trại, tham gia giữ rừng cho nhà nước ở khu vực biên giới. Ông Hòe và các con luôn tự hào bởi nhiều năm qua, địa bàn chưa xảy ra vụ phá rừng nào.
Chủ tịch UBND xã Phú Gia Nguyễn Văn Nhân nhận xét ông Hòe là một người tận tụy và trách nhiệm, luôn đau đáu với việc bảo vệ rừng và phát triển kinh tế địa phương. "Những việc làm của ông ấy rất thiết thực và ý nghĩa cho công đồng, là tấm gương sáng để mọi người noi theo", ông Nhân nói.