Nhà văn Từ Kế Tường, từng được mệnh danh "ảo thuật gia ngôn ngữ" dòng văn học tuổi mới lớn trước 1975, vừa trở lại văn đàn với Tủ sách Tuổi Ngọc - in lại nhiều tác phẩm best seller một thời của ông như Huyền xưa, Như mưa ngọt ngào, Hoa lưu ly không về, Bờ vai nghiêng nắng.
Dịp này, ông có cuộc trò chuyện về công việc sáng tác.
- Điều gì khiến ông trở lại với độc giả lần này?
- Hai, ba năm qua, tôi ngưng viết vì Covid-19, dù trước đó sáng tác bền bỉ. Khoảng 1997, sách của tôi cũng từng được in rầm rộ trở lại, nhiều nhà xuất bản đặt hàng. Gần hơn là năm 2019-2021, mỗi tháng tôi cũng có hai, ba cuốn được in, ra mắt ở đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Tôi rất xúc động trước tình cảm độc giả và biết ơn khi ở giai đoạn nào họ đều thể hiện sự yêu quý trang sách. Nhiều người nói không chỉ đọc mà còn gìn giữ sách tôi cẩn thận như một người bạn đồng hành tâm tư, tình cảm vui buồn.
Khi biết tôi không giữ được cuốn sách gốc để tái bản, họ gửi các bản cũ tặng lại tôi. Chính bạn đọc là động lực để tôi trở lại, không chỉ qua các sách tái bản mà có thể là các sáng tác mới.
Một đời viết chỉ một, hai tác phẩm sống được trong lòng người đọc, được lưu giữ, yêu mến, gối đầu giường đã là hạnh phúc lớn. Tôi may mắn khi hầu hết sáng tác của tôi được bạn đọc yêu thích.

Nhà văn Từ Kế Tường trong một buổi giao lưu ở Đường sách TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Ông nhớ điều gì nhất ở thời "hoàng kim" của công việc viết sách?
- Trước 1975, giai đoạn sách tôi chiếm lĩnh thị trường, mỗi tháng tôi viết năm cuốn, đều là truyện dài. Trong năm cuốn này, một là truyện dành cho tuổi mới lớn, bốn cuốn là dành cho thiếu nhi, viết theo đặt hàng của nhà xuất bản. Tôi chỉ cần đưa họ tên sách, số trang, là được trả tiền tác quyền hết một lần ngay tức khắc, bản thảo sách có thể giao sau. Tất nhiên là phải đúng thời hạn. Hồi đó chỉ có thỏa thuận miệng chứ không có ký hợp đồng văn bản như bây giờ. Tác giả và đơn vị làm sách giữ uy tín lẫn nhau.
Hồi đó tôi còn rất trẻ, viết bằng máy đánh chữ, dĩ nhiên là viết ngày viết đêm cho kịp tiến độ giao sách. Tôi thật sự ngạc nhiên và vô cùng xúc động khi giờ đây, nhờ mạng xã hội, tôi được kết nối, biết thêm nhiều câu chuyện về độc giả của tôi một thời. Họ từng không có tiền, phải nhịn ăn mua sách, thuê mướn, lén thầy cô trong lớp, lén cha mẹ ở nhà để đọc sách tôi. Không chỉ thế, họ còn nhớ rất chi tiết các tình tiết, tên nhân vật họ ấn tượng.
- Ông áp lực gì khi quay lại văn đàn ở bối cảnh văn hóa đọc hiện nay khác với thời của ông?
- Tôi luôn tin còn nhiều độc giả dành thời gian cho văn chương, nghệ thuật, xem chúng như một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Không ít đơn vị làm sách trong nước hiện nay hỗ trợ các tác giả, tác phẩm họ thấy có giá trị để sách được đến với một lớp độc giả mới. Trong đó, văn chương dành cho tuổi mới lớn gieo mầm xanh trên những mảnh đất khô cằn, lan tỏa thương yêu, đẩy lùi vô cảm. Tôi luôn bị áp lực và càng áp lực hơn với những tác phẩm đang viết của mình, sao cho không xa rời thực tiễn nhưng vẫn giữ mãi được sự lãng mạn, trong sáng, mang tính giáo dục, hướng tới chân, thiện, mỹ, đồng thời không khuôn phép, giáo điều, phù hợp với lứa tuổi nhân vật tôi yêu thích.
Tình yêu của tuổi mới lớn và nhân vật thiếu nhi của tôi chính là đời sống đang diễn ra thường ngày. Tôi may mắn có một tâm hồn nhạy cảm và trí nhớ tốt nên tôi viết thật mà như hư cấu, hư cấu mà như thật. Do đó, truyện tình yêu tuổi mới lớn của tôi không ở trong quá khứ mà ngay hiện tại, nhân vật thiếu nhi của tôi thật ngay trong tuổi thơ và đời sống, sinh hoạt. Cũng từ đó truyện của tôi thường có cái kết bỏ lửng hay gợi mở một niềm tin, một hy vọng cho tương lai phía trước. Vui, buồn của tôi cũng nằm ở đó.

Ấn bản mới của cuốn "Huyền xưa" - tác phẩm ăn khách một thời của nhà văn Từ Kế Tường. Ảnh: NXB Văn Học
- Suy nghĩ của ông về vai trò của văn học trong đời sống hiện nay?
- Tôi cho là vai trò của văn học không chỉ đóng khung ở một tác phẩm hư cấu giúp bạn đọc giải trí mà còn góp phần hình thành nên tính cách của một con người. Văn học có thể tiếp thêm sức mạnh giúp một người nào đó vượt qua chông gai, gian khó để bước qua con đường đầy thử thách trong cuộc đời của họ. Cho nên, nếu tác phẩm của tôi làm được chuyện này thì không hạnh phúc nào bằng. Tôi nghĩ chính nhờ vậy mà văn học luôn tồn tại, ngay cả trong thời của bùng nổ mạng xã hội, các loại hình game show, giải trí hoặc những trò kích động bạo lực.
Từ Kế Tường sinh năm 1946, tên khai sinh là Võ Tấn Tước, quê gốc ở Bình Đại - Bến Tre, nhưng lên Sài Gòn học khá sớm. 19 tuổi ông là thư ký tòa soạn tờ Tuổi Ngọc, tờ báo dành cho thiếu nhi. Năm 1969, Huyền xưa, tiểu thuyết đầu tay của ông, được in nhiều kỳ trên báo, sau đó mới in sách, lần đầu khoảng 150.000 bản.
Ông có gần hai trăm tác phẩm, nhiều cuốn trong số đó từng có lượng phát hành hàng trăm nghìn bản.
Tuấn Anh thực hiện