Ngược chiều dư luận
Đó là bốn từ chính xác nhất để mô tả về 13 năm theo đuổi võ tự do của Từ Hiểu Đông. Võ sĩ sinh năm 1979 luôn có xu hướng làm ra những việc gây tranh cãi. Từ thuở còn học boxing và sanda (một trong ba trường phái của môn Tán thủ) ở trường Đại học Thể thao Bắc Kinh, anh nổi tiếng vì là kẻ thô tục nhất lớp chứ không phải nhờ thành tích học tập.
Tiếng lóng, ngôn ngữ chợ búa và cả chửi bậy là những thứ thường gặp ở Từ. Những học viên trong lớp gọi anh là “chiến binh điên khùng”. Họ cũng thường nhắc nhau phải chuẩn bị “súng miệng” (khả năng đối đáp) kỹ lưỡng nếu muốn làm gì Hiểu Đông, trước khi nói chuyện bằng chân tay.
Với ý thức như vậy, không khó hiểu khi Từ Hiểu Đông chẳng thu được bằng cấp hay chứng chỉ gì sau quãng thời gian tại ĐH Thể thao Bắc Kinh. 25 tuổi, không nghề nghiệp cụ thể, Từ buộc phải hài lòng với nghiệp gõ đầu trẻ. Anh tham gia dạy boxing cho thiếu niên ở các CLB, trung tâm văn hóa.
*Vài nét về Từ Hiểu Đông
Bước ngoặt đến với họ Từ năm 2004. Đài truyền hình Hà Nam nhận được kế hoạch truyền thông võ tự do trên địa bàn tỉnh. Họ mời mọi người tham dự trò chơi, vốn là các bài tập của võ sĩ MMA chuyên nghiệp, giống những chương trình thực tế bây giờ. Hiểu Đông ghi danh tham dự. Dù chẳng biết võ tự do là gì nhưng với kiến thức ba năm theo học boxing, có nhiều tư thế rất giống võ tự do, Từ nhanh chóng trở thành đội trưởng, hướng dẫn đồng đội vượt qua thử thách.
“Võ sĩ MMA đầu tiên của Trung Quốc” chưa kiếm tiền từ võ tự do trong thời gian này nhưng hình ảnh một chàng trai trẻ, với đôi mắt sắc lẹm và tính cách dữ dằn, đã ghi điểm trong mắt ban tổ chức. Kết thúc cuộc thi năm ấy, Từ Hiểu Đông bắt đầu học võ tự do rồi trở thành HLV bộ môn này.
Vào những năm 2000, võ tự do rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Họ Từ, vốn chẳng có nhiều bạn bè, lại hay thích gây gổ, ăn nói thô tục, tập võ tự do thì đúng là “xứng đôi vừa lứa” trong mắt mọi người (chính Hiểu Đông nói điều này). Võ sĩ sinh năm 1979 chưa có ngày nào thi đấu chuyên nghiệp MMA. Đến cả trường dạy võ Shichahai, Bắc Kinh mà Từ thường khoe với bạn bè là anh làm HLV tại đó, họ cũng khẳng định không biết ai tên Từ Hiểu Đông. Nhưng chính vì như thế, tay đấm vừa gây tiếng vang lớn trong làng võ thuật Trung Quốc càng muốn đi đến tận cùng con đường này.
Từ Hiểu Đông là như vậy. Xã hội càng chối bỏ võ tự do, anh càng muốn chứng tỏ MMA là môn nghệ thuật, có giá trị hơn hẳn võ truyền thống. Với quyết tâm xây dựng thương hiệu mang đậm bản sắc, “cha đỡ đầu của MMA Trung Quốc” kiên quyết phủ định dư luận đến cùng. Anh từng nói với báo chí: “Có ai nguyền rủa tôi không ư? Nghe này, chó cắn người là bình thường nhưng ông bạn đã bao giờ thấy người cắn chó chưa? Một ngôi sao luôn phải giữ vững quan điểm trong mọi tình huống, và cách của tôi là không ngừng gây ngạc nhiên”.
Lập nghiệp bằng scandal
Tài năng không có gì nổi trội, thân thế chẳng phải dạng “trâm anh thế phiệt”, Từ Hiểu Đông dấn thân vào làng MMA, một môn đối kháng cần đầu tư hình ảnh và truyền thông, gần như với hai bàn tay trắng. Ban đầu, Từ giống bao võ sĩ khác, muốn đi lên bằng thực lực. Anh hy vọng kỹ năng chiến đấu mới lạ của võ tự do sẽ giúp anh nổi tiếng. “Dù sao tôi cũng là người tiên phong”, Từ Hiểu Đông nhớ lại trong những ngày đầu chập chững vào nghề.
*Từ Hiểu Đông lý giải nguyên nhân đấu với Ngụy Lôi
Không thành công bằng con đường chính thống, võ sĩ gốc Bắc Kinh chuyển sang dùng cái miệng dẻo quẹo để gây sự chú ý. Bắt đầu là những nhận xét cực đoan về võ truyền thống Trung Quốc, Từ tiến thêm một bước khi nêu quan điểm rằng võ truyền thống cần lược bỏ những yếu tố màu mè, tăng tính thực chiến để trở thành một môn thi đấu chính thức trong các kỳ Olympic.
Tới lúc này, Từ Hiểu Đông bắt đầu được chú ý. Võ sĩ MMA bắt đúng điểm yếu của người dân Trung Quốc, muốn đưa “quốc hồn quốc túy” wushu vào Olympic. Tiếng nói của “người cha đỡ đầu MMA Trung Quốc” trở nên có trọng lượng, đặc biệt khi họ Từ tung các đoạn băng ghi âm lời nhận xét của anh về võ truyền thống lên mạng Internet. Võ sĩ 38 tuổi mô tả võ truyền thống là “lừa bịp”, “giỏi múa may” và “chỉ thích hợp để tập dưỡng sinh”, nhưng như thế là chưa đủ để tác động đến các đại tông sư Thái Cực Quyền.
Cách lập nghiệp bằng scandal của Từ Hiểu Đông gặp thời cơ lớn khi anh bất ngờ nhìn thấy Ngụy Lôi, người được giới thiệu là võ sư Thái Cực, trên một chương trình truyền hình của đài CCTV4.
Giữa Từ và Ngụy có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng quê Bắc Kinh, sàn sàn tuổi nhau (Từ 38 còn Ngụy 41). Bên cạnh đó, Ngụy Lôi còn có một điểm khiến Từ Hiểu Đông thèm muốn, đó là vị thế của một ngôi sao võ thuật đang lên. Trong chương trình được phát trên kênh CCTV4, Ngụy biểu diễn nội lực thâm hậu khi dùng một tay ngăn không cho chú chim bồ câu bay lên, dù chẳng hề chạm đến một sợi lông.
Một ván bài được Hiểu Đông đưa ra. Ngày 18/4/2017, anh thách đấu Ngụy Lôi với phần thưởng dành cho đối thủ, nếu chiến thắng là 175.000 đôla.
*Từ Hiểu Đông hạ gục Ngụy Lôi
Kế hoạch của Từ thành công mỹ mãn. Anh trở thành đối tượng được “săn lùng” hàng đầu của giới võ thuật Trung Quốc. Một loạt cao thủ như Nhất Long, người từng hạ gục "Quái vật Trung Đông" Seyedisa Alamdarnezam và hai đại võ sư Thái Cực Quyền là Lữ Hàng và Vương Chấn Hải đều muốn đọ sức với Từ Hiểu Đông. Ngoài ra, anh còn trở thành một hiện tượng trên mạng Internet suốt nhiều ngày qua.
Thắng Nguyễn tổng hợp