Sau khi Từ Hiểu Đông thắng Lã Cương ở Đại hội võ thuật Tân Cương, thông tin về võ sĩ MMA xuất hiện một cách hạn chế. Những trang chính thống của Trung Quốc như Xinhua, China Daily, People Daily... không có một dòng nào về võ sĩ sinh năm 1979, dù số lượng tìm kiếm về anh tăng vọt trên Baidu từ cuối tháng 5/2019. Cỗ máy tìm kiếm này cũng giới hạn kết quả tìm kiếm về Từ, khi thông tin về anh chủ yếu là từ năm 2017, lúc Hiểu Đông thắng cao thủ Thái Cực, Ngụy Lôi trong 10 giây.
Từ Hiểu Đông biến mất trên mặt báo là hệ quả của việc anh bị hạ hạnh kiểm công dân xuống hạng D, sau khi xúc phạm chưởng môn Trần thức Thái Cực quyền, Trần Tiểu Vượng và không chịu xin lỗi theo bản án của tòa. Võ sĩ MMA chịu nhiều bất tiện trong cuộc sống như không được tiêu dùng trong nhiều nhà hàng, khách sạn, không được đi máy bay, tàu cao tốc... Từ Hiểu Đông trở thành một từ khóa vô cùng nhạy cảm trên truyền thông. Mỗi khi thấy ba chữ này, tòa soạn nào cũng mặc định là không xuất bản những bài báo liên quan.
Tuy nhiên, võ truyền thống không thể tự cứu lấy mình khi những trò hề liên tục diễn ra. Những bại tướng của Từ Hiểu Đông như Đinh Hạo, Điền Dã, Ngụy Lôi tụ tập nhau đánh đấm như thể muốn chọn ra minh chủ võ lâm, dù khả năng thực của họ, ai cũng biết như nào. Sau đó, tới phiên Lộ Hành cá cược 1,45 triệu USD và chỉ đích danh Từ Hiểu Đông so tài, nhưng khi cao thủ họ Từ liên lạc, anh ta lại không nhấc máy. Vụ lùm xùm của cao thủ Thái Cực này chưa kịp chìm, lại xuất hiện một Hoắc Yến Sơn dùng công phu truyền điện hạ võ sĩ tán thủ Tề Vệ Hoa, người bị phát hiện là đệ tử của chính Hoắc. Những chiêu trò như vậy chỉ tổ làm xấu mặt nền võ thuật Trung Quốc.
Võ truyền thống vẫn phát triển mạnh nhưng nội bộ ngày càng suy đồi. Các võ sư coi thường nhau, tìm mọi cách hạ bệ nhau. Họ thi nhau vỗ ngực trước truyền thông về khả năng của chính mình, như thể muốn lừa bịp về những thứ chỉ có trong phim kiếm hiệp. Hơn một nửa số người được hỏi, sau khi Từ Hiểu Đông lần lượt thắng bốn võ sư võ truyền thống, không còn tin vào những lời quảng cáo. Ngay cả Mai Huệ Chí, người sáng lập ra tán thủ, cũng không được lòng mọi người khi cố bịt miệng những người có ý kiến trái chiều", tuần báo ở Quảng Đông viết.
Nhưng trận thắng Lã Cương sau 46 giây của Từ Hiểu Đông khiến dư luận bênh vực võ truyền thống hết đường chối cãi. Lã Cương, tự nhận học võ từ năm 14 tuổi, từng học nhiều môn như wushu, Thiếu Lâm, tán thủ... trước khi luyện Vịnh Xuân. Tuy nhiên, màn trình diễn của cao thủ đất Hà Bắc trước Từ Hiểu Đông dưới mức kỳ vọng. Lã bị đánh gục ba lần, trước khi bị xử thua cuộc cùng chiếc mũi bị gãy. Tới lúc này, mọi người bắt đầu thừa nhận rằng việc lật mặt những ngụy võ sư là có ích. Những ngụy võ sư, tất cả đều có chung đặc điểm: tràn đầy tự tin trước khi thượng đài với "Cuồng nhân", và kết thúc trận đấu với những khuôn mặt sưng vù. Những điều ấy liệu có xứng với danh vọng mà võ truyền thống cho họ?
Mọi thứ đều có quy tắc riêng của nó. Một khi sự phát triển của võ truyền thống vượt quá khỏi khả năng ở thế giới thực, nó chỉ còn đọng lại trong những trang tiểu thuyết võ hiệp hay phim hành động, chứ không thể mơ mộng mãi như vậy để bước ra cuộc sống. Chính những võ sư cũng không tự nhận sự suy đồi này. Họ miễn cưỡng thừa nhận đang lâm vào thế hạ phong, và ngày càng lạc hậu so với bước phát triển của những môn võ khác như MMA, boxing, hay Muay Thái.
Danh tiếng của võ truyền thống đi xuống không chỉ bởi Từ Hiểu Đông, mà còn là từ chính những người tự xưng là sư phụ võ truyền thống. Hồi tháng 5/2018, Trương nhận lời đấu với cao thủ Thái Cực, Trịnh Gia Khoan, đệ tử của Mã Bảo Quốc (người suýt tỉ thí với Từ Hiểu Đông ở Thượng Hải hồi tháng 5/2017 nhưng bị cảnh sát ngăn cản). Trong suốt trận đấu, Trịnh liên tục phạm lỗi khi tấn công vào chỗ hiểm như cổ họng và dùng các đòn bị cấm như cùi chỏ, lên gối. Trịnh bị cảnh cáo ba lần, trước khi bị ngã ra sàn bởi đòn kẹp cổ của Trương. Thông thường, sau khi đứng dậy, hai võ sĩ sẽ bắt tay làm hòa để trở lại vị trí ban đầu, nhưng Trịnh Gia Khoan khiến mọi người ở sàn đấu phẫn nộ khi lẻn ra sau, ôm người võ sĩ Taekwondo. Phải rất vất vả, trọng tài và những võ sĩ khác mới kéo được Trịnh ra.
Tinh thần võ đạo, thứ được tôn sùng và đề cao của võ truyền thống dần bị mai một. Dư Xương Hoa, tự nhận là truyền nhân Diệp Vấn, đánh không lại võ sĩ quyền Anh nghiệp dư chỉ dùng một tay Hùng Trình Trình. Đinh Hạo, đệ tử của Dư, cũng chẳng hơn gì. Anh ta sáu lần bị Từ Hiểu Đông đánh cho sấp mặt, nhưng vẫn ngụy biện thua là do ngộ độc thức ăn. Điền Dã, lớn tiếng và cao ngạo khi tự phụ có công phu "Thiết ngưu trửu" và "Lý hợp thoái", nhưng rồi khi thua trận, một mình kéo vali uể oải ở sân ga.
Từ Hiểu Đông không có lỗi trong sự đi xuống của võ truyền thống, bởi tự nó vốn đã như vậy. Cách họ Từ làm có thể không vừa mắt nhiều người nhưng nếu không có những trận đấu gây sốc ấy, người ta sẽ không bao giờ nhìn thẳng vào thực chất của võ truyền thống. Thực tế, trước khi "Cuồng nhân" tạo ra cơn bão truyền thông, võ Trung Quốc từng nhận những thất bại đầy cay đắng.
Năm 1974, võ truyền thống Trung Quốc từng so tài cao thấp với Muay Thái, với kết quả toàn thua cả bốn trận. Từ lúc ấy, chính phủ và những lò dạy võ đều bày tỏ sự quan ngại về khả năng thực chiến của võ truyền thống. Người ta từng tự hỏi, rằng mục đích của viêc luyện võ chỉ là để rèn luyện sức khỏe, hay phải là phụng sự quốc gia và sẵn sàng chiến đấu khi cần? Thậm chí, một ủy ban chuyên nghiên cứu về võ thuật đã được lập, để tìm hiểu về những tác động của lệnh hủy thi đấu đối kháng trong võ thuật từ năm 1955, và chỉ tập trung vào quyền biểu diễn.
"Võ thuật giống khiêu vũ, là quá trình lặp đi lặp lại những động tác, nhưng chúng không phải là một, dù động tác bên ngoài khá giống nhau. Hồi còn trẻ, tôi rất tin ở kỹ năng chiến đấu của võ truyền thống, nhưng sau khi tiếp xúc với boxing, đấu vật, và nhiều môn đối kháng nữa, tôi nhận ra nếu chỉ tập quyền, võ thuật chẳng khác nào một chương trình tập thể dục", cựu trọng tài võ thuật sinh năm 1915, Khang Thiệu Viễn chia sẻ sau khi tham gia vào dự án định hướng cho nền võ thuật Trung Quốc.
George Orwell, tiểu thuyết gia nổi tiếng bậc nhất thế kỷ XX, cha đẻ của hai cuốn sách kinh điển "1984" và "Trại súc vật" đưa quan điểm: "Những võ sư Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực tiễn và đào tạo khoa học một cách bài bản. Họ được chỉ dẫn và truyền thụ lại chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thay vì áp dụng những lý thuyết hiện đại. Theo thời gian, những môn võ được thi đấu rộng rãi được nghiên cứu sâu sắc, và là tổng hòa của nhiều yếu tố như lý thuyết, thiết bị, phương pháp huấn luyện, chế độ ăn uống, khai thác tâm lý... Còn võ truyền thống vẫn đứng sau những cánh cửa đóng kín, bỏ ngỏ việc chiến đấu, thậm chí đắm chìm một cách không có căn nguyên về thứ nội lực, công phu bí ẩn".
Một cây đại đao, dù tốt đến mấy, cũng không thể có sức sát thương bằng một cây súng. Những chiêu thức, dù được vận dụng nhuấn nhuyễn tới đâu, cũng khó lòng cạnh tranh với sức mạnh cơ bắp. Đó đều là những nguyên lý đơn giản, nhưng trong vòng hàng chục năm, người Trung Quốc không muốn thoát khỏi cơn mộng mị ấy. Cố nhà văn Kim Dung từng đưa quan điểm này, trong tiểu thuyết: "Lộc đỉnh ký", và giờ Từ Hiểu Đông chỉ nhắc lại nó mà thôi.
Southern Weekly được thành lập năm 1984, và xuất bản khoảng 1,7 triệu bản mỗi lần in. Trang QQ đánh giá, Southern Weekly luôn cực kỳ nghiêm ngặt về nội dung. Với tiêu chí "tập trung vào kế sinh nhai của người dân, đề cao tình yêu, công lý và lương tri", tờ báo có trụ sở ở Quảng Châu được dư luận Trung Quốc đánh giá cao, thậm chí coi là tiếng nói của tầng lớp lao động. |
Thắng Nguyễn (theo Southern Weekly, Sohu)