Sinh năm 1972 trong một gia đình có "máu" kinh doanh, từ hơn 10 tuổi, Bùi Thị Én (Hà Nội) đã nhiều phen theo chân cha xuống Hải Phòng nhập tôn phục vụ xưởng sản xuất pedan xe đạp (bàn đạp). Lớn hơn một chút, không ít lần chị một mình theo xe đi nhập hàng cho gia đình.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông và lập gia đình năm 19 tuổi, người phụ nữ này tính ra làm ăn riêng do mức thu nhập của ông xã từ nghề Đông y không được là bao. Ban đầu chị bán bánh gối, bánh tôm, các món chè ở ngay cầu thang khu tập thể căn hộ của hai vợ chồng.
Đến năm 1992, nhận thấy nhu cầu của thị trường lớn, chị chuyển sang bán vật liệu xây dựng, trong đó mặt hàng chủ chốt là sứ vệ sinh. Số vốn khởi nghiệp tổng cộng là 5 triệu đồng chị được một người bạn cho vay toàn bộ. Tuy nhiên, nhiều khi cũng không đủ vốn nhập hàng nên có khách gọi điện đặt thì chị mới đi lấy rồi giao cho họ. Trên đề tên cửa hàng, chị còn treo thêm khẩu hiệu "xấu đổi, thiếu bù, đắt trả lại" nên người mua trước giới thiệu người mua sau, vì thế cửa hàng lúc nào cũng tấp nập.
Hàng bán chạy nên chị mải mê làm ăn, đến lúc có bầu sắp sinh vẫn đạp xe đi chở gạch ở phố Cát Linh về giao cho khách. Sau khi sinh chưa được một tuần chị Én phải nhờ mẹ chồng trông con để đi bán hàng vì thu nhập của gia đình lúc đó chủ yếu trông vào đây. Công việc kinh doanh thuận lợi nên khoảng một năm sau khi khởi nghiệp, chị tích cóp được một số vốn đủ để thuê cửa hàng, không phải bán ở cầu thang của khu tập thể nữa.
Năm 1994, chị mở rộng thị trường ra các tỉnh và trở thành đơn vị phân phối độc quyền trên phạm vi cả nước hoặc khu vực phía Bắc cho một số hãng bình nước nóng, máy bơm, sứ vệ sinh của Ý, Hàn Quốc, Việt Nam. Thời gian đầu, vừa một tay phát triển đại lý ở các tỉnh, chị Én vừa đích thân theo xe đi giao hàng. Thấy mọi việc thuận lợi, chị quyết định "ôm" thêm lĩnh vực sản xuất nhưng mọi việc chẳng mấy chốc đã đổ bể do chưa lường hết những khó khăn.
"Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật sản xuất thì vừa học vừa làm nên sản phẩm bị hỏng, lỗi không bán được", chị cho biết. Thêm vào đó, biến động về tỷ giá đồng đôla năm 1995 (giá đồng USD đang từ 11.000 đồng tăng lên 15.000 đồng) khiến chẳng mấy chốc chị biến thành con nợ. "Các đơn hàng đều dưới dạng L/C trả chậm, tỷ giá biến động khiến tổng tài sản kinh doanh của tôi lúc đó không đủ để chi trả số tiền nhập hàng", chị Én nhớ lại.
Không đủ tiền thanh toán cho đối tác, chị phải thương thảo để tiếp tục nhập và bán hàng. Nhờ uy tín trước đó, các bạn hàng đều đồng ý. Tuy nhiên, để vực lại công việc kinh doanh, chị phải vùi đầu làm việc từ sáng sớm đến đêm, không biết đến ngày nghỉ. Là phụ nữ nhưng giai đoạn này chị làm việc đến mức "không có thời gian để soi gương, chải tóc".
Năm 2001, công việc làm ăn ổn định trở lại, chị làm thủ tục thành lập công ty mang tên Ngôi sao May mắn chuyên phân phối độc quyền một số sản phẩm bình nước nóng, sứ vệ sinh, bồn tắm.
Đến năm 2009, nhận thấy nợ đọng của khách hàng lớn, lại chậm thu hồi nên chị chuyển sang làm phân phối máy điều hòa, cung cấp và lắp đặt hệ thống điều đoà, lắp đặt kho lạnh, máy lạnh... Đồng thời, chị đầu tư thêm bất động sản, xây dựng chung cư mini. Gần đây, nhận thấy nhu cầu đối với loại nhà liền kề ở ngoại ô thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng, chị lại bắt tay vào triển khai. Từ hai bàn tay trắng, hiện tổng tài sản của công ty lên tới khoảng trên 20 tỷ đồng. Và cũng đã từ rất nhiều năm, chị dành một phần lợi nhuận để làm từ thiện.
Trong thời gian điều hành doanh nghiệp, bên cạnh những kiến thức tự học, chị Én đều dành thời gian để tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kinh doanh. "Nhận thấy cần kiến thức gì là tôi đi học ngay phần đó. Nhân viên, đối tác của mình đều là cử nhân, thạc sĩ mà mình lại không có đủ kiến thức thì có vẻ không ổn", bà chủ doanh nghiệp chia sẻ.
Đối mặt với nhiều sóng gió trên thương trường cũng như những chuyện gia đình, nhìn chị Én có phần chững chạc hơn so với tuổi của mình. Nữ doanh nhân chia sẻ, "khi đã dấn thân vào thương trường thì không được sợ. Còn nếu ai sợ, muốn nhàn đầu óc thì không nên chọn công việc kinh doanh".
Ngọc Tuyên