Có vẻ như câu chuyện về làn sóng đấu tranh giữa các loại hình doanh nghiệp mới và cũ đang ngày một trở nên gay gắt, và như một lẽ tất yếu, hiện nay làn sóng ấy đã tràn vào Việt Nam.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao ngành thương mại điện tử của Việt Nam chưa thực sự phát triển là một câu chuyện dài. Trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ trực tuyến, phần mềm, giao thông... chúng ta vẫn còn lúng túng và phải nhường một số vị trí dẫn đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại sân nhà. Tôi cho rằng, điều đó có thể bắt nguồn từ việc chúng ta đã thiếu một “tư duy thương mại điện tử” so với các đối thủ.
Đến nay, vẫn còn những doanh nghiệp không thể phân biệt giữa thương mại điện tử, bán hàng trên mạng, marketing online và quảng cáo trực tuyến. Các doanh nghiệp này cho rằng thương mại điện tử đơn giản là tạo một website và đăng bán hàng hóa trên đó.
Một người bạn của tôi từng đặt một câu hỏi thú vị như sau: Với cuốn sách thông thường, sau khi đọc xong, bạn có thể bán lại như một cuốn sách cũ với giá khoảng 60% sách mới, còn với một cuốn ebook, liệu rằng chúng ta có thể bán lại sau khi đã đọc xong hay không? Và nếu có thì giá bán sẽ là bao nhiêu phần trăm so với sách mới?
Đã có nhiều câu trả lời khác nhau với câu hỏi trên, nhưng bài học rút ra ở đây là: Trong một môi trường công nghệ, không thể nào áp đặt hoàn toàn lối tư duy truyền thống để giải quyết vấn đề. Rõ ràng, một cuốn sách điện tử cần được ứng xử khác với sách in, và một cuốn sách điện tử cũ thì cần cách ứng xử thực sự đột phá so với sách in cũ.
Bản chất của thương mại điện tử là ứng dụng công nghệ để tạo ra giá trị cho cuộc sống với rất ít chi phí và công sức. Công nghệ điện tử có thể được triển khai ở mọi khâu trong một chuỗi cung ứng như: sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, tiếp thị, phân phối, chăm sóc khách hàng... Nếu áp dụng vào khâu nào, giá trị sẽ tăng vọt ở khâu đó.
Hãy tưởng tượng, một doanh nghiệp sản xuất sữa có thể dự đoán chính xác lượng sữa tiêu thụ từng tháng trong năm ở các đại lý để lên kế hoạch sản xuất; Một website bán sách qua mạng có thể nhanh chóng lấy đúng cuốn sách bạn cần ra khỏi kho hàng trong vòng 5 phút; Một công ty sản xuất điện thoại hàng đầu không cần đến hệ thống đại lý bán lẻ; Nhà hàng không cần nhân viên phục vụ bàn; Danh sách các triệu phú đang dài thêm mỗi ngày nhờ vào các ứng dụng di động... Đó quả là những điều thần kỳ của công nghệ mà con người chưa từng chứng kiến trong quá khứ.
Trong nền kinh tế mới, không chỉ có các công ty công nghệ mà mọi ngành nghề đều không thể đứng ngoài cuộc chơi, dù cho đó là lĩnh vực nông nghiệp, thủ công, bất động sản, thương mại, y tế, giáo dục... Nhưng lâu nay chúng ta vẫn áp dụng công nghệ một cách mơ hồ, coi việc ứng dụng công nghệ mới như một thứ trang sức để trưng bày hơn là lợi thế cạnh tranh sống còn để tồn tại. Công nghệ đã cho phép tạo ra những doanh nghiệp nhỏ vượt lên doanh nghiệp lớn. Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia nhỏ, đang phát triển có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước khác mà không cần đến thời gian hàng thế kỷ.
Sở dĩ ở Việt Nam, các ứng dụng gọi xe taxi hiện nay được ủng hộ cũng vì họ đã làm được một việc quan trọng: tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng, tài xế, doanh nghiệp, và sau tất cả chính là tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Nếu chỉ đánh giá việc làm đó theo cách nhìn truyền thống, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội vươn lên phía trước trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn về nguồn lực.
Làn sóng thương mại điện tử đã gõ cửa nền kinh tế Việt Nam. Để đón nhận và tận dụng tốt, có lẽ mỗi cá nhân, tổ chức đều nên cởi mở và trang bị một “tư duy điện tử” cho chính mình.
Chu Ngọc Cường