Trước 2005, một đĩa cơm tấm có giá khoảng 3.000 đồng. Thời điểm đó, vàng - kênh tích sản truyền thống của nhiều người - vẫn chưa đến chục triệu đồng mỗi lượng (giá thế giới lúc này khoảng 8,3 triệu). Một năm sau, chủ các quán cơm tấm nâng giá bán lên 6.000 đồng khi lạm phát đạt đỉnh 10 năm. Kể từ đó, kim loại quý này cũng tăng dồn dập ngoài dự đoán, vượt 10 triệu đồng.
Vàng bước vào chu kỳ tăng giá và trở thành kênh dự trữ ưa chuộng mỗi khi có biến động vĩ mô, thường là thay đổi về chính sách tài khóa, tỷ giá hoặc lạm phát. Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), từ năm 2005, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức nhập khẩu vàng cao và tăng lên đáng kể. Lượng vàng nhập trung bình mỗi năm ghi nhận hàng chục tấn, có năm lên khoảng 100 tấn. Trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh kim loại quý cũng có hàng nghìn lượng vàng giao dịch mỗi ngày.
Cùng với những cơn sốt giá, vàng SJC tích lũy dần dần và lần lượt chinh phục các đỉnh giá mới, 20 triệu (tháng 5/2009), 30 triệu (tháng 9/2010), 40 triệu (lần đầu vào tháng 7/2011). Giá tăng liên tục và cao hơn giá thế giới, người dân kéo nhau rút tiền từ ngân hàng ra mua vàng để đầu cơ. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải cấp quota nhập khẩu vàng nhằm hạ nhiệt thị trường.
Tháng 7/2011, giá vàng chạm mốc 40 triệu đồng và liên tục tăng tiếp sau đó, có ngày biên độ tăng tới vài triệu đồng. Giữa cơn "điên" của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước công bố quản lý thương hiệu vàng SJC, giữ độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng và không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Sau khi quy về một mối, giá kim loại quý này duy trì quanh 40 triệu đồng suốt gần chục năm.
Chu kỳ tăng giá liên tục được kích hoạt trở lại khi giá lên mốc 50 triệu năm 2020. Từ đó, mỗi năm, vàng miếng đều "tạo sóng" và lần lượt phá vỡ các kỷ lục của chính mình. Giá tăng gần gấp đôi so với giai đoạn trước dịch giúp vàng trở thành kênh đầu tư sinh lời vượt bậc so với gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn.
Nền tảng cho đợt tăng giá là làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trên thế giới, Mỹ duy trì lãi suất 0% để kích thích kinh tế. Trong nước, lãi suất huy động giảm về quanh 6% một năm. Lạm phát tuy được kiểm soát, vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Bối cảnh này đẩy vàng nhanh chóng leo dốc trong một tháng sau đó để lần đầu tiên chạm 60 triệu đồng vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, chỉ sau bốn phiên, giá lập tức bị kéo xuống và đi ngang trong vùng 50 triệu đồng suốt thời gian dài.
Hơn một năm sau, tháng 11/2021, vàng vượt ngưỡng kháng cự 60 triệu đồng. Kể từ mốc này, biểu đồ giá bắt đầu biến động mạnh hơn với thời gian ngắn hơn. Các mốc 70, 80 triệu đồng lần lượt được chinh phục trong hai năm sau đó.
Nhưng mức tăng dồn dập nhất là ở bước giá từ 70 lên 80 triệu đồng, diễn ra chỉ trong hai tháng cuối năm nay. Từ giữa tháng 11, vàng chủ yếu tăng giá, luôn duy trì trên 70 triệu đồng và liên tiếp ghi nhận nhiều mức mới. Có thời điểm, người mua vàng lãi ngay một triệu đồng mỗi lượng chỉ sau một đêm nắm giữ.
Đỉnh điểm là hai tuần qua, biểu đồ thị giá gần như lập kỷ lục mới mỗi ngày. Riêng phiên 26/12, vàng tăng giá từng giờ lên mức cao nhất mọi thời đại, vượt 80 triệu đồng vào cuối buổi sáng. Tương tự lần đầu chạm 60 triệu và 70 triệu, giá vàng "nhảy múa" liên tục sau khi leo lên mốc mới. Thay vì giữ được vài phiên, giá mới chỉ được giao dịch vỏn vẹn vài giờ. Chỉ hơn ba tiếng sau, kim loại quý thủng 80 triệu đồng. Sau một đêm, giá tiếp tục đi xuống. Đến sáng nay, giá vàng sau khi rơi tự do về 74 triệu đồng một lượng.
Không chỉ tăng mạnh và bất ngờ, vàng miếng trong nước thường xuyên lệch pha, tăng nhanh - giảm chậm hơn thế giới và ngày càng "đắt đỏ".
Trước 2020, giá vàng miếng chỉ đắt hơn vài triệu đồng so với thế giới ở một số thời điểm biến động mạnh. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2020, vàng miếng trong nước ngày càng bỏ xa thế giới và liên tục duy trì khoảng cách rộng lên tới 15-20 triệu đồng.
Kịch bản này tiếp tục lặp lại năm 2021 và những ngày cuối năm nay, khi vàng miếng lập đỉnh trên 80 triệu đồng. Ngày 26/12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD một ounce, giá vàng miếng trong nước "nổi sóng" tăng hai triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn quốc tế 20 triệu đồng.
Giá vàng miếng ngày càng "đắt đỏ" so với thế giới trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước ngưng nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng vì chủ trương "chống vàng hóa nền kinh tế". Nguồn cung vàng miếng hằng năm không tăng thêm mà thậm chí giảm đi bởi có những thời điểm chế tác vàng miếng thành nguyên liệu và xuất ra nước ngoài.
Hiệp hội Kinh doanh vàng chục năm nay kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép dập thêm vàng miếng và cấp phép doanh nghiệp nhập thêm vàng nguyên liệu phục vụ nhu cầu kinh doanh vàng nữ trang nhưng không được chấp thuận.
Sau công điện mới nhất của Thủ tướng yêu cầu điều hành vàng miếng trong nước theo thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp bình ổn khi cần. Trong tháng 1/2024, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất sửa đổi một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Tất Đạt - Quỳnh Trang