Hầu hết chúng ta đồng ý rằng, một nền báo chí tích cực và năng động rất quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Nhưng quan hệ giữa báo chí và chính phủ không phải là một chiều. Bản thân chính phủ cũng phải có trách nhiệm tạo ra môi trường đúng đắn để báo chí làm tốt việc của họ.
Trong thập kỷ qua, ta đã thấy những tiến bộ thực sự. Có 111 nước đã thông qua các bộ luật yêu cầu Nhà nước phải công bố thông tin. Việt Nam cũng nằm trong số đó, và Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Vài tuần trước, tôi tham dự buổi công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP Việt Nam tổ chức. Ở đó có nhiều thông tin thú vị về người dân đánh giá chất lượng chính quyền địa phương ra sao. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là có chưa tới 9% số người được hỏi từng nghe nói về Luật tiếp cận thông tin mới của Việt Nam.
Tại sao đó lại là một vấn đề? Vì báo cáo cũng chỉ ra rằng người dân ngày càng quan tâm tới những vấn đề như tham nhũng, quyền liên quan tới đất đai, môi trường, và hạ tầng giao thông. Luật tiếp cận thông tin cho người dân quyền yêu cầu chính phủ phải trả lời, ví dụ như, về thông tin sở hữu đất đai, về các nhà máy gây ô nhiễm, về những dự án cơ sở hạ tầng cấp tỉnh; nhưng họ sẽ không thực hiện được quyền của mình nếu không biết về Luật.
Như mọi công chức Anh, từ năm 2005 tôi phải biết cách trả lời công chúng khi được hỏi thông tin. Đó là năm mà Luật Tự do thông tin (FoIA) của Anh có hiệu lực. Giống như Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam, FoIA bảo đảm quyền pháp lý của việc người dân được tiếp cận thông tin do nhà nước nắm giữ.
Hãy lấy một ví dụ: vệ sinh an toàn thực phẩm, một chủ đề nóng của Việt Nam hiện nay. Cho đến năm 2007, kết quả các đợt thanh tra về an toàn thực phẩm của Anh đều không được công bố. Cho đến ngày một ai đó sử dụng FoIA để đòi bản copy kết quả thanh tra một khách sạn. Mặc dù ban đầu chính quyền địa phương từ chối yêu cầu này, quyết định được lật lại bởi một Ủy ban thông tin độc lập, dựa trên cơ sở “lợi ích công” của việc công bố lớn hơn quan điểm nên giữ kín. Bây giờ thì kết quả của các đợt thanh tra an toàn thực phẩm đã thường xuyên được công bố. Thậm chí, rất nhiều nhà hàng treo kết quả thanh tra của họ ở ngay cửa sổ nơi khách hàng có thể dễ thấy nhất.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy Luật tự do thông tin thậm chí đã thay đổi văn hóa của nước Anh hướng tới sự cởi mở và minh bạch hơn. Và kết quả là công chúng có có thêm thông tin để chọn nơi ăn một bữa an toàn và lành mạnh.
Chỉ riêng năm 2016, các cơ quan trong chính phủ Anh đã nhận được 45.000 yêu cầu cung cấp thông tin. Việc xử lý những yêu cầu này tạo thêm một gánh nặng cho bộ máy hành chính công. Nhưng chính phủ Anh tin rằng cái giá đó đáng để trả. Đó là chi phí để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, giúp người dân hiểu hơn về công việc của nhà nước, chất lượng lập pháp tăng lên.
Vậy thì vai trò của báo chí ở đâu? Chỉ khiến thông tin được công khai hợp pháp là chưa đủ để người dân hiểu được nhà nước đang làm gì. Vai trò của báo chí vì thế là phải thu thập thông tin, phân tích, và trình bày sao cho mọi người dễ hiểu về tác động trực tiếp của chính sách lên họ.
Đây chính là cách mà công luận Anh lôi ra ánh sáng vụ các Đại biểu Hạ viện khai khống tiền công tác phí khi ở London họp Quốc hội. Nhờ có Luật tự do thông tin, chi phí của các Đại biểu được minh bạch, nhưng chính báo chí là bên đã đưa ra phân tích chi tiết. Qua đó dân có thể nhìn thấy vị nghị sĩ nào theo luật, vị nào không.
Với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang quyết tâm chỉnh đốn việc kiểm soát tài sản cán bộ, đây là một trường hợp đáng tham khảo về sự hợp tác giữa một nền tảng thông tin tự do, cộng một nền báo chí tích cực, có thể thúc đẩy hành xử minh bạch trong giới công chức.
Đại sứ quán Anh sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam, với các nhà báo, và các tổ chức dân sự để hỗ trợ việc đưa Luật Tiếp cận thông tin vào đời sống. Vừa mới tháng trước, tôi có vinh dự được phát biểu tại một sự kiện tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, tại đó chúng tôi đã giới thiệu Sổ tay nhà báo, trong đó có hướng dẫn về Luật Tiếp cận thông tin. Ngày Tự do báo chí thế giới năm nay, tôi khuyến khích tất cả các bạn, mà đặc biệt là các nhà báo Việt Nam cùng suy nghĩ về việc các bạn sẽ vận dụng Luật tiếp cận thông tin vào công việc của mình như thế nào. Tôi tin đó sẽ không phải là một việc lãng phí thời gian.
Như các ví dụ của tôi từ Anh đã thể hiện: sự thay đổi sẽ không đến ngay lập tức. Kể cả khi luật đã ban hành, nhưng vẫn sẽ cần thời gian để người dân hiểu rõ cơ chế yêu cầu thông tin. Và khi đã đi đòi thông tin, người dân cũng sẽ phải thể hiện cam kết và quyết tâm để ứng phó với một bộ máy hành chính có thể chậm chạp.
Nhưng trong dài hạn, nhờ Luật mới, các nguyên tắc về minh bạch sẽ trở thành nguyên tắc hoạt động của bộ máy chính quyền. Đó là một quá trình dài, nhưng đáng để theo đuổi.
Giles Lever