Gấu bông, bạn chơi ưa thích của trẻ. |
Nhà tâm lý học người Mỹ, ông Harry Frederick Harlow đã thí nghiệm về mặt này. Ông cho chú khỉ con hai người mẹ giả: một mẹ bằng lưới kim loại để trần trụi, nhưng có thể cho khỉ con bú. Một con khác nhồi bông với lớp vỏ bằng nhung, nhưng không biết cho ăn. Khỉ con chọn ai? Trong thí nghiệm, ngoài những lúc cần ăn nó mới đi tìm con mẹ kim loại, còn hầu như mọi lúc mọi nơi nó đều coi chỗ ở của con mẹ nhồi bông là nhà mình, vì tiếp xúc với thú nhồi bông nó cảm thấy sung sướng. Nhất là khi khỉ con bị đe dọa, nó ôm lấy con mẹ nhồi bông coi như chỗ dựa vững chắc cho mình.
"Đói da" và nhu cầu ôm ấp
Thí nghiệm này tuy là trên khỉ, nhưng đối với trẻ em cũng đúng. Nghiên cứu quan sát cho thấy trẻ em thường thích những vật mềm, ấm hơn là những vật cứng và lạnh. Tâm lý học còn cho biết, trẻ em nếu lâu ngày không được ôm ấp vuốt ve để kích thích da, chúng sẽ sinh ra cảm giác “đói da”, gây nên hiện tượng ngứa ngoáy, ngọ nguậy, cáu gắt, thích đập phá.
Ngày nay, con một ngày càng nhiều, cha mẹ phần lớn đều bận công việc, không thể chăm sóc chúng suốt ngày, lại càng ít có dịp vui đùa với con cái, do đó rất nhiều em 5-6 tuổi bị “đói da”. Trong hoàn cảnh đó, thú nhồi bông trở thành người bạn thân thiết nhất của chúng, vì thông qua tiếp xúc da, các em được thoả mãn. Đối với những em cô đơn không có bạn, thú nhồi bông giúp các em loại bỏ được cảm giác này. Các em đặt tên cho thú nhồi bông, chơi với nó và cảm thấy sung sướng. Hiện nay trên thị trường còn có một xu hướng là thú nhồi bông càng to càng bán chạy. Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản là thú nhồi bông to diện tích tiếp xúc da càng lớn, càng cảm thấy dễ chịu. Trẻ em có được một con thú nhồi bông gần bằng mình, sẽ cảm thấy như bạn mình, to hơn nữa lại có cảm giác được bảo vệ.
Như thế, thói quen ngủ chung với thú nhồi bông chẳng có hại gì, các vị phụ huynh cũng không nên cấm đoán, chỉ cốt sao giữ cho chúng sạch sẽ là được.
(Theo 10 vạn câu hỏi vì sao)