Đó là chân dung của Trưởng ban Văn hóa Thông tin xã Glar, huyện Đak Đoa, một trong những xã có phong trào thể thao đứng đầu tỉnh Gia Lai, mà người có công đầu là Khiêm.
Chàng trai Bahnar gây chấn động Sài Gòn
Khelly Khiêm tự hào với bộ sưu tập huy chương của mình. Ảnh: Thanh Niên. |
Những năm 60 thế kỷ trước, cậu bé Khiêm là đứa trẻ hiếm hoi của xã Glar sánh vai cùng các bạn học ở thành phố Pleiku. Một ông thày dạy võ người Mỹ tên là James Khelly vì thích đứa trẻ bản địa nhanh nhẹn, hiếu động đã dạy võ cho Khiêm.
Mới tập vài tháng, cậu đã cho các bạn học trước mình cả năm đo ván. Cơn mê võ thuật vận vào người lúc nào chẳng hay. Sáng sớm hay đêm khuya, các sư huynh, sư đệ luôn nghe tiếng luyện quyền huỳnh huỵch của Khiêm. Cậu lấy luôn tên thày làm họ của mình như một sự tri ân.
Ông thày người Mỹ rời Pleiku, Khiêm lân la tìm thày học tiếp và tiến nhanh trên con đường võ thuật nhờ tố chất thông minh, nhanh nhẹn. Khát vọng ngao du thử sức là lý do Khiêm có mặt tại giải võ thuật châu Á, tổ chức ở miền Nam năm 1974. Ít ai ngờ chàng trai Bahnar chiếm giải nhất Tây Nguyên.
Đến vòng cuối, Khiêm gây chấn động Sài thành khi thắng luôn võ sĩ Hong Kong Chu Bảo Long, lên ngôi vô địch (hạng cân 55 kg). Lần đầu tiên một võ sĩ dân tộc thiểu số thắng võ sĩ của một cường quốc võ thuật. Nhà vô địch được công kênh như người hùng. Ngay cả tỉnh trưởng Pleiku cũng phấn khởi ra mặt trong một lễ đón hoành tráng.
Đất nước thống nhất, Khiêm được UBND xã Glar giao phụ trách công tác thanh niên. Anh mở lò dạy võ, thành lập đội bóng cho xã. Đội bóng đá của xã Glar trở nên đáng gờm. Nhiều đối thủ phải nể sợ mỗi lần đụng độ. Nhiều thanh niên trong xã hằng đêm luyện võ, đi quyền. Lãnh đạo xem Khiêm như là "cán bộ nguồn".
Vượt lên quá khứ
Giai đoạn Fulro hoạt động mạnh, Glar cũng là một địa bàn nóng. Khiêm bị Fulro bắt trong một lần lên rẫy. Tên toán trưởng bắt Khiêm há miệng rồi ấn quả lựu đạn vào hăm dọa: "Nếu mở miệng nói với ai thì nhà mày sẽ không yên. Mày được tổ chức phong làm đại úy. Hãy quay về làng và dẫn bọn thanh niên sang Campuchia nhập với đại quân Fulro".
Mắt Khiêm không nhắm nổi suốt mấy đêm. Sự an toàn của gia đình như lời hăm dọa của tên nhóm trưởng cứ lởn vởn trong đầu. Khiêm quyết định: "Thôi thì cứ đi thử! Còn quay về được mà!".
Trời tối, Khiêm dẫn theo hơn 50 người đạp rừng, nhắm hướng biên giới mà đi. Đến ngày thứ tư thì bị công an Campuchia gặp và truy đuổi. Phải đi đến mấy lần trời tắt nắng mới chạy đến được điểm hẹn. Nhìn quanh chỉ thấy bốn bề rừng lạnh, chẳng thấy bóng "doanh trại Fulro" nào. Gần một tháng Khiêm lại dẫn cả đám lếch thếch quay lại. Ai cũng quắt lại vì đói ăn, thiếu ngủ.
Trở lại ước mơ
Khiêm và hai cầu thủ nhí của xã Glar do anh đào tạo. Ảnh: Thanh Niên. |
Mọi người ở Glar đã rộng lòng đón những đứa con lầm lỗi trở về. Phải mất hơn một tháng Khiêm mới lại sức. Chuyện buồn dần nguôi ngoai. Fulro bị dẹp dần. An ninh ổn dần. Khiêm rủ thêm một số người nữa xung phong đi công nhân.
Nhớ làng anh lại quay về với nương rẫy. Nhưng thể thao như là cái mệnh, cứ cuốn lấy con người tràn sức sống của Khiêm. Năm 2000, xã lại giao cho Khiêm làm Trưởng ban Văn hóa thể thao.
Khiêm động viên các làng huy động con cháu mình lập đội, làm sân bóng. Phong trào được vực dậy. Năm 2006, đội bóng thiếu niên Glar đoạt giải nhất tỉnh. Đội bóng thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Gia Lai cùng năm này giành huy chương bạc, trong đó Glar có 6 cầu thủ. Tại giải này, cầu thủ Ksor Lâm của xã đoạt luôn phần thưởng "Vua phá lưới". Năm 2007, Gia Lai giành giải nhất Cúp Hoa sen, cầu thủ của Glar cũng chiếm gần một nửa đội bóng.
Còn Khiêm đã sưu tầm cho mình hàng loạt chiến thắng với 6 huy chương vàng giành được trong võ thuật. Con trai nối gót cha hiện là một võ sĩ có tiếng, từng giành huy chương bạc toàn quốc. Ủy ban Thể dục thể thao quốc gia đã đưa Glar vào chương trình phát triển thể dục thể thao cơ sở.
(Theo Thanh Niên)