Watson đã đi ngủ khi lễ trao giải Oscar 2022 diễn ra, nơi Will Smith gây tranh cãi vì tát Chris Rock. Nhưng hai ngày sau, sự kiện này lại khiến anh quan tâm theo một cách khác: nó sinh ra một meme coin, được đặt tên là Will Smith Inu.
Việc tiền số này được tạo sau cú tát thực tế không gây ngạc nhiên. Theo định nghĩa, meme coin là tiền điện tử gắn liền với những hình ảnh, khoảnh khắc lan truyền và những trò đùa trên Internet với giá trị ngắn hạn, thường có xu hướng tăng hoặc giảm nhanh chóng. Cũng có một số loại như Dogecoin và Shiba Inu tồn tại trong thời gian dài, được Tesla hay GameStop chấp nhận thanh toán. Dù vậy, hầu hết được coi là một khoản đầu tư mạo hiểm mà không có bất kỳ mục đích rõ ràng nào.
Những người tham gia sớm vẫn có thể kiếm được một khoản lợi nhuận kếch xù. Đó là lý do tại sao hai ngày sau lễ trao giải Oscar 94, Ryan Watson đã mua một lượng Will Smith Inu trị giá 5.000 USD. Đồng tiền này có khối lượng giao dịch tới ba triệu USD nhưng giảm xuống gần 0 chỉ sau một tuần. Giá tăng trong ngắn hạn thực sự đem lại cơ hội cho những nhà đầu tư như Ryan Watson - người đã kiếm được 20.000 USD tiền mặt.
"Sợ hãi tiền không làm ra tiền", Watson nói.
Nhưng ở phần còn lại, hàng nghìn người đang đối mặt với thế giới hoang dã của meme coin khi chật vật tìm cách thu hồi số vốn ban đầu.
Từng được coi là phiên bản hài hước của tiền điện tử, meme coin hiện đầy rẫy những trò gian lận. Gần như tất cả các nhà phân tích đều đồng ý rằng, việc tham gia về bản chất là một hình thức đánh bạc. "Đó là một trò chơi có tổng bằng 0. Nếu ai đó đang trở nên giàu có, nghĩa là rất nhiều người khác đang mất tiền", David Hsiao, Giám đốc điều hành của tạp chí tiền điện tử Block Journal, nói.
Meme coin bắt đầu xuất hiện từ năm 2013, khi hình ảnh một chú chó Shiba Inu có tên Doge trở nên nổi tiếng. Đồng tiền số Dogecoin ban đầu được tạo với mục đích châm biếm Bitcoin. Nhưng năm 2021, khi tiền số bùng nổ và hướng tới được chấp thuận chính thống, lĩnh vực này bắt đầu phát triển mạnh. Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn giãn cách do dịch bệnh, nhiều người tìm đến kênh đầu tư tiền số. Các dự án tiền mã hóa uy tín được định giá quá cao, người mới bắt đầu rất khó tiếp cận, nên việc sở hữu hàng triệu meme coin với giá chỉ vài trăm USD là điều hấp dẫn. Bên cạnh đó, số lượng người mua lớn nên chúng có thể tăng giá 1.000, thậm chí 10.000 lần, từ đó tạo làn sóng FOMO ngày càng lớn trong cộng đồng tiền số.
Billy Markus, người đồng sáng lập Dogecoin, bắt đầu bộc lộ sự chán ghét của mình với meme coin vào tháng 2. Trong bài đăng trên Twitter, ông cho rằng chúng tràn ngập quảng cáo rác, dối trá về người sáng lập, những lời hứa quá lố và cả những nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của Elon Musk cho việc quảng bá. "Các meme coin hiện tại thậm chí không phải là meme. Chúng được tạo ra bởi những người muốn cố làm giàu từ những người khác", ông nói.
Theo CoinMarketCap, thị trường đang có hơn 300 meme coin, trong đó 20% đồng có khối lượng giao dịch hàng ngày đạt trên 100.000 USD vào cuối 2021. Tính đến tháng 4, giá trị của chúng dao động trong khoảng 32 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Ethan McMahon, nhà kinh tế học của công ty nghiên cứu tiền điện tử Chainalysis, nhiều nhà đầu tư meme coin không quan tâm đến tài chính của bất kỳ đồng tiền cụ thể nào. Mục tiêu của họ là tìm ra một đồng tiền mới có thể sẽ là xu hướng, mua với khối lượng lớn và bán ra ngay khi tiền này tạo ra lợi nhuận hoặc bắt đầu giảm giá trị.
"Nó giống như trò chơi chiếc ghế âm nhạc", Mac Mahon nói."Mọi người đều nghĩ rằng có thể kịp ngồi lên một chiếc ghế trước khi tất cả kết thúc".
Với những nhà đầu tư như Watson, mạo hiểm chỉ đơn giản là điều kiện cần để anh tiếp cận với một loạt lợi ích: tự do tài chính, lợi nhuận nhanh chóng và thoát khỏi con đường truyền thống kiểu tìm kiếm sự nghiệp và quyền lực. "Bất kể tôi dành bao nhiêu thời gian cho một công việc, tôi chưa bao giờ thăng tiến. Đó là lý do tại sao tôi đang làm những việc như này", anh nói.
Theo các chuyên gia, với phần mềm phù hợp, bất kỳ ai cũng có thể mua meme coin với giá vài trăm USD trong vài phút, dễ dàng tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo. Người tạo ra meme coin có thể kiểm soát số tiền được tạo ra, thường là các con số cao ngất ngưởng, như hàng tỷ hoặc hàng nghìn tỷ, nhằm đảm bảo giá trị của mỗi đồng nhỏ hơn nhiều mỗi cent. Ví dụ, sau đêm trao giải Oscas, người mua có thể sở hữu Will Smith Inu chỉ với 0,0000002176 USD.
Một trong những trò lừa đảo phổ biến hơn là rút thảm (rug pull). Thuật ngữ phổ biến từ năm 2021 này nói về việc một nhóm phát triển tiền số nào đó từ bỏ dự án đột ngột và mang theo tất cả số tiền có được từ nhà đầu tư. Chainalysis thống kê hình thức lừa đảo này khiến nhà đầu tư mất số tiền tổng cộng gần 3 tỷ USD trong năm ngoái.
Tháng 11/2021, meme coin dựa trên loạt phim Netflix ăn khách Squid Game cũng tăng giá trong 11 ngày liên tiếp lên 2.860 USD. Sau đó, nhà phát triển dự án bất ngờ biến mất với 3,3 triệu USD tiền của các nhà đầu tư, khiến giá đồng này tụt về 0. Thống kê cho thấy tiền điện tử này có lúc đã tăng giá tới 23.000% nhưng giờ trở nên vô giá trị.
Các chuyên gia cho rằng nếu muốn đầu tư mạo hiểm, người chơi chỉ nên bỏ ra 10-20% số vốn, còn lại dành cho những nền tảng khác chắc chắn hơn. Các đồng này có thể nhân 100 lần giá trị sau một đêm nhưng cũng có thể về 0 bất cứ lúc nào. Ranh giới giữa một dự án tiềm năng và lừa đảo đôi khi chỉ cách nhau một "nhịp đẩy" của nhà phát hành.
"Tùy tình hình tài chính của mỗi người, nhưng hãy nhớ meme coin chỉ như xổ số. Nghĩa là khi mua, bạn phải xác định có thể mất luôn khoản đầu tư", bà Như Thảo, quản trị viên diễn đàn Tradecoin Underground, nói. "Ngoài ra, một số người mới tham gia thị trường thường nhầm giá lên sàn của meme coin vốn có rất nhiều số 0 sau dấu phẩy nên nghĩ giá rất rẻ và mua vào liên tục mà không nhận ra họ có thể đang đu đỉnh". Trước khi đầu tư, người chơi cần xem xét tổng nguồn cung của token đó, vốn hóa thị trường, khối lượng giao dịch... từ đó mới đưa ra quyết định đầu tư để tránh những rủi ro không đáng có.
Hoài Anh (theo Washington Post)