Thuật ngữ "phòng bệnh hơn chữa bệnh" được nhà triết học người Hà Lan Desiderius Erasmus đưa ra vào những năm 1500. Song phải đến 500 năm sau, giữa một dịch bệnh tàn khốc như Covid-19, cộng đồng và các nhà chức trách mới nghiêm túc nhìn nhận cách tiếp cận này trên phạm vi toàn cầu.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm nCoV vượt quá 200 triệu. Trong khi nguồn lực khổng lồ đổ dồn vào vaccine, WHO nỗ lực giải bài toán làm thế nào ngăn chặn tình cảnh tương tự tái diễn.
Trọng tâm của nỗ lực đó được tóm gọn trong chiến lược có tên One Health (Một Sức khỏe). Mục tiêu của nó là nâng cao nhận thức rằng tất cả hoạt động, thói quen của con người đều ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Yếu tố này cần được cân nhắc khi ban hành các chính sách y tế công cộng.
Chẳng hạn, tình trạng gia tăng dân số và phá rừng sẽ tạo nhiều cơ hội để các bệnh bắt nguồn từ động vật hoang dã lây nhiễm sang người. Thách thức tiếp theo là vấn đề hợp tác quốc tế trong bối cảnh chia rẽ chính trị.
One Health là chủ đề chính tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5 của Đại hội đồng Y tế Thế giới. Trong đó, các quốc gia thành viên WHO đưa ra ý kiến nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Lần đầu tiên, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả quốc gia trong việc áp dụng chiến lược One Health.
Wanda Markotter, giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh từ Virus, Đại học Pretoria, nhận định: "One Health tồn tại từ lâu, nhưng không được triển khai cấp bách".
Hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Y tế Thế giới năm ngoái tập trung đạt thỏa thuận từ Trung Quốc, nhằm đưa các chuyên gia do WHO chỉ định vào nước này nghiên cứu về nguồn gốc của Covid-19. Từ đó đến nay, Mỹ và nhiều nước khác đã yêu cầu tiếp cận phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Động thái này dựa trên giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm này.
Đối với Markotter, chuyên gia về mầm bệnh từ dơi, tranh cãi khiến một thực tế khác bị ngó lơ: đợt bùng phát nhỏ ở một phần của thế giới có thể trở thành đại dịch giết chết hàng triệu người, gây ra những tổn thất kinh tế không thể lường trước.
Hiện ban cố vấn cao cấp của One Health có 26 thành viên, đại diện cho ba tổ chức trọng yếu bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thú y Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Các thành viên được lựa chọn từ 700 ứng viên, là các nhà khoa học từ Mỹ và Trung Quốc.
Mục tiêu của hội đồng là "cung cấp hướng dẫn liên quan đến One Health, nhằm hỗ trợ, cải thiện sự hợp tác giữa các chính phủ", theo thông cáo báo chí của WHO.
Pháp và Đức lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này. Hai nước thừa nhận biến đổi khí hậu, cách thức sản xuất lương thực và lối sống của con người đều tạo điều kiện cho các dịch bệnh từ động vật phát triển.
Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết: "Chúng ta có mật độ dân cư đông đúc, chúng ta khai thác từ môi trường tự nhiên, tạo ra và thúc đẩy áp lực sinh thái. Điều này phá vỡ ranh giới giữa động vật và con người".
Nhu cầu cung cấp lương thực cho dân số gây ra cuộc cách mạng về sản xuất, dẫn đến tình trạng phá hủy môi trường sống của động vật để nhường chỗ cho cây trồng và vật nuôi. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan virus. WHO ước tính 70% các dịch bệnh mới ở người trong 50 năm qua là lây nhiễm từ động vật hoặc có nguồn gốc động vật.
Markotter cùng các thành viên của hội đồng đang soạn thảo hướng dẫn tích cực để các nước thuộc WHO nhận ra và giải quyết những vấn đề nêu trên. Bà cho rằng chia sẻ thông tin là chìa khóa thành công của chương trình One Health.
"Đó là một trong những yêu cầu đầu tiên ở phạm vi toàn cầu. Nó không chỉ để phát hiện mầm bệnh, mà còn phát hiện cả những thay đổi trong việc sử dụng đất đai. Chúng ta không thực sự có hệ thống chung để chia sẻ các thay đổi về môi trường mang tính rủi ro", bà nói.
Chuyên gia virus Tony Della-Porta, cựu cố vấn về an toàn sinh học của WHO, đã điều tra các tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Đài Loan và Singapore trong dịch SARS năm 2002-2003. Ông nhận định Trung Quốc cần cải thiện công tác chia sẻ thông tin.
"Tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự không phải nguồn gốc của Covid-19, mà là thời gian để nhận ra nó và đưa ra các biện pháp kiểm soát", ông nói.
Thục Linh (Theo SCMP)