Thứ tư, 7/4/2021, 11:00 (GMT+7)

Tháng 4/2020, giữa thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế bệnh viện dã chiến. Thời điểm đó, các bệnh viện dã chiến nhằm ứng phó khẩn cấp với Covid-19 đã được xây dựng lác đác trên thế giới. Trên Tạp chí kiến trúc của Hội số tháng 4, một trong những người đầu tiên được phỏng vấn về chủ đề này, không phải là một kiến trúc sư hay nhà quản lý xây dựng, mà là vị tướng quân đội. Đó là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn.

Gần một thập kỷ qua, vị thầy thuốc đã song hành cùng chương trình xây dựng bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan, châu Phi, một trong những vùng khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Và trong ông không lúc nào ngơi câu hỏi, dù với các bệnh viện dã chiến hay các bệnh viện tuyến đầu: "Xây bệnh viện thế nào là tốt nhất cho người bệnh?".

Cảm giác đầu tiên của ông Nguyễn Hồng Sơn khi nghĩ về Nam Sudan là lo lắng. Đó là năm 2014, Bệnh viện Quân y 175 được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng bệnh viện dã chiến theo tiêu chuẩn quốc tế để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Từ trước đến nay, Việt Nam đã cử các sĩ quan dưới hình thức cá nhân trong vai trò sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc, quan sát viên đi một số nước ở châu Phi như Nam Sudan, Trung Phi. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động đơn lẻ. Bệnh viện dã chiến cấp 2 là dấu ấn của Việt Nam trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với tư cách một đội quân thực thụ.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - khi đó là phó giám đốc Bệnh viện 175 - năm 2014 đến Nam Sudan để thăm dò tiền trạm. Ông cảm thấy lo, không phải vì nhiệm vụ quá khó khăn, mà vì điều kiện thời tiết, ăn ở nơi đây sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các y, bác sĩ trong bệnh viện dã chiến. Biên nhiệt độ ở vùng khí hậu này rất rộng, ban ngày có thể lên đến hơn 50 độ C, nhưng đêm đến lại lạnh, có khi chỉ 10 độ C - trong khi nơi ở của các y, bác sĩ chỉ là những lều bạt, vỏ container.

Hành trang của ông Sơn và đồng đội tại Bệnh viện 175 trước nhiệm vụ ngày đó chỉ có sự quyết tâm. Họ từng dùng vũ khí này để gây dựng nên một bệnh xá Trường Sa hoạt động như bệnh viện tuyến huyện từ một tổ quân y ban đầu chỉ có 3 người. Vượt lên trên khoảng cách mênh mông giữa đất liền với Trường Sa, Bệnh viện 175 đã biến bệnh xá Trường Sa thành điểm tựa của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa - với hàng nghìn ca phẫu thuật, hàng trăm chuyến bay chuyển ca bệnh nặng dù giữa đêm khuya, và ứng dụng cả công nghệ telemedicine để chỉ đạo nhiều ca phẫu thuật thành công từ bệnh viện.

"Khó khăn, gian khổ đến thế nào, chỉ cần cố gắng, quyết tâm là sẽ thành công. Với Nam Sudan cũng vậy, mặc dù thấy bộn bề khó khăn đấy, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng mình sẽ làm được, thậm chí là làm tốt như đã từng đối với Trường Sa", ông Sơn nghĩ lại cảm giác của mình 7 năm về trước.

Trong một chuyến công tác thực địa, khi đến bệnh viện dã chiến của Campuchia, ông gặp lại một số học trò cũ. Đây là những người thuộc Bệnh viện Preah ket mealea (Bệnh viện 179, Quân đội Hoàng gia Campuchia), được Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ chuyên môn trong khuôn khổ Nghị định thư Hợp tác quốc phòng song phương. Hỏi han các học trò cũ, ông biết được trong cái khắc nghiệt của thời tiết nơi này, vẫn có những dây rau muống dại lên xanh, nấu ăn thử thì tuy rất đắng, dai nhưng vẫn có cái vị bùi bùi của rau muống. "Nghĩa là có thể trồng rau được", ông Sơn nghĩ thầm.

Rồi sau đó là một loạt các biện chứng: trồng rau được nghĩa là sẽ cải thiện chất lượng bữa ăn; bữa ăn ổn định thì y, bác sĩ mới đủ điều kiện sức khỏe; điều kiện sức khỏe được đảm bảo thì nhiệm vụ tất sẽ hoàn thành tốt. Nên trong hành trang của đoàn bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sang Nam Sudan năm 2018 hay sau này, ông không quên dặn những chiến binh của mình mang theo nhiều loại giống rau.

Vị tướng bất chợt xúc động: "Không ngờ rằng vườn rau xanh của mình được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đến nỗi bà Trưởng Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc nhiều lần sử dụng bệnh viện dã chiến của chúng ta để làm nơi tiếp khách. Mà không chỉ cho riêng mình, anh em còn hướng dẫn các bệnh viện dã chiến khác và người dân sở tại cách trồng rau. Rau xanh đối với họ chỉ là cải thiện chất lượng bữa ăn, thay đổi thói quen ăn uống chứ chưa thể gọi là sản xuất được, nhưng đó đã là một bước tiến dài".

Băn khoăn thứ hai, là về tiếng Anh. Về chuyên môn thì không ai lo lắng nhiều, vì các y, bác sĩ của bệnh viện Quân y 175 có tay nghề cao. Thời điểm ban đầu, ở nhiều vị trí, trình độ tiếng Anh của các bác sĩ còn hạn chế.

Nhưng hành trang mang theo của các bác sĩ Bệnh viện 175 luôn có sự quyết tâm. Chỉ sau một thời gian ngắn trau dồi, các bác sĩ đã đạt chuẩn tiếng Anh do Liên Hợp Quốc đề ra.

Suốt 4 năm, để đáp ứng tiêu chuẩn của một bệnh viện dã chiến Liên Hợp Quốc, Bệnh viện 175 cùng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (khi đó là Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng biên chế, chương trình huấn luyện và kế hoạch huấn luyện tổng thể. Tất cả đều có giai đoạn và tiêu chí rõ ràng, nhưng cũng không thiếu những sáng tạo.

Năm 2018, đoàn những bác sĩ đầu tiên của bệnh viện 175 lên đường, thiết lập bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1. Từ đó tới nay đã có thêm 2 lần nữa ông Sơn tiễn cấp dưới từ Tân Sơn Nhất đến châu Phi. Ngày 24/3 năm nay, đoàn bệnh viện dã chiến 2.3 xuất kích.

Bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan chỉ là một trong số rất nhiều những nỗ lực của Bệnh viện Quân y 175 và ông Nguyễn Hồng Sơn trong tiến trình đưa y học Việt Nam vươn tầm thế giới.

Tại Sài Gòn, giữa điểm giao nhau của những con đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn và Phạm Ngũ Lão, nơi các chiến sĩ của bệnh viện dã chiến xuất kích, đang là một nỗ lực khác nữa nhằm xây dựng Bệnh viện Quân y 175 hướng tới những quy chuẩn toàn cầu, một quần thể y tế đa năng, xứng tầm khu vực.

Nhìn từ trên cao, quần thể kiến trúc của Bệnh viện 175 rất dễ nhầm lẫn với một dự án bất động sản cao cấp, có cả căn hộ condo lẫn khu phức hợp văn phòng thương mại. Giữa một công viên rộng hàng hecta, người ta nhìn thấy hai khối nhà cao tầng được liên kết bằng một không gian xanh, một "SkyPark" (vườn trên không) thường chỉ thấy ở những dự án bất động sản hạng sang. Đó là nơi người bệnh có thể tản bộ, thư giãn và phục hồi sau điều trị.

Trong các thảo luận chuyên môn, ông Nguyễn Hồng Sơn thường xuyên bày tỏ trăn trở về việc bệnh viện Việt Nam cần cập nhật theo những chuẩn hóa, xu hướng bệnh viện thông minh của thế giới. Ông nói về telemedicine, y học số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot, hay quản lý theo dây chuyền công năng (work flow).

Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện đầu tiên tại TP HCM thiết lập đường bay riêng cho trực thăng cấp cứu từ sân bay trên nóc bệnh viện.

Đó là điều mà vị bác sĩ mô tả là "một mơ ước suốt 30 năm". Một "sứ mệnh" gian nan, khi ngày cao điểm trên bầu trời thành phố có đến trên dưới 1.000 chuyến bay, và việc quản lý không lưu vô cùng phức tạp. Cũng như mọi sứ mệnh khác, đội ngũ của nơi này đã liên tục theo đuổi dự án và lần lượt đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vận hành máy bay. Lý do, ông Nguyễn Hồng Sơn tin rằng cấp cứu bằng trực thăng là lời giải quan trọng cho TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi các hạ tầng đường bộ và đường thủy thường xuyên ách tắc.

Đây cũng là nơi hội tụ những thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực trị liệu và chấn thương chỉnh hình, từ thiết bị sóng xung kích shockware, các robot tập trị liệu được chuyển giao công nghệ từ Phần Lan, và những bể thủy trị liệu "đặc sản" của một bệnh viện chấn thương chỉnh hình đầu ngành.

"Hơn 70 năm trước, Bác Hồ từng có ước mơ Việt Nam phải có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình để thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Và giờ đây, tôi tự tin để nói rằng chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã hiện thực hóa được ước mơ của Bác và lúc dâng hương Bác cách đây mấy hôm, chính tôi đã thành kính nói với Bác những điều ấy", ông Sơn xúc động.

Năm 2019, ông Nguyễn Hồng Sơn quay trở lại Nam Sudan. Lần ấy, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam được Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan trao tặng bằng khen cho tập thể và 4 cá nhân vì đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Đó là một sự ghi nhận của Liên Hợp Quốc đối với đội ngũ các chiến sĩ Việt Nam sau khi tiếp nhận cơ sở từ bệnh viện dã chiến của Hoàng gia Anh và cần mẫn cống hiến. Chỉ sau 12 tháng đầu hoạt động, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã điều trị cho 2.022 lượt bệnh nhân, trong đó có 62 ca phẫu thuật, vận chuyển bằng đường không lên bệnh viện tuyến trên 7 ca, và không để xảy ra một ca tai biến nào.

"Nhưng nhận khen thưởng không phải là tất cả niềm vui của chuyến đi ấy. Điều vui nhất, mà phải nói thêm là xúc động nhất, là khi đi ngoài đường, người dân Nam Sudan nhận ra tôi là người Việt Nam. Thế là họ gọi lớn 'Việt Nam', 'Điện Biên Phủ', 'Hồ Chí Minh' hay kèm theo cử chỉ tay cùng lời nói Number one", thiếu tướng Sơn nhớ lại.

Không chỉ có mỗi ông, những cán bộ chiến sĩ thuộc biên chế của bệnh viện dã chiến cũng được người dân Nam Sudan nhận ra là người Việt Nam.

Năm năm trước, khi ông đến quốc gia Đông Phi này, người bản địa nhìn đoàn với ánh mắt rất e dè, thậm chí ánh lên những phòng bị. Năm năm sau, những thành trì rụt rè, phòng bị không những bị gỡ bỏ, mà còn được người dân Nam Sudan xóa đi bằng thiện cảm và sự trân trọng. Bên dòng sông Nin trắng xoá bây giờ, những người dân da đen đã chung nhịp đập yêu thương với những người da vàng đến từ châu Á xa xôi.

Xuân Khánh