Người gửi: Bui Nguyen Linh
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Rất hoan nghênh nhưng người có Văn hoá từ chức
Tôi theo dõi các vụ việc thời sự không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi rất cảm phục trước việc từ chức của Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc khi một cây cầu qua sông bị đổ hoặc Thủ tướng Hàn Quốc từ chức khi đi chơi golf trong ngày nghỉ nhưng có cuộc đình công của công nhân.
Tôi cảm thấy thất vọng các ông quan như Bộ trưởng Đào Đình Bình, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến lớn tiếng thanh minh, đổ trách nhiệm.
Người gửi: Nguyễn Hoàng
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Xin một lời bàn về Văn hóa từ chức.
Hiện tượng từ chức chỉ có thể xảy ra ở người có chức quyền, không làm tròn chức trách, có lòng tự trọng và biết xấu hổ. Người có lòng tự trọng và biết xấu hổ chính là người có văn hóa.
Từ luận điểm này nhìn về thực trạng của một bộ phận quan chức nước ta không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng tiếc thay hầu như không có ai đứng ra xin lỗi hoặc từ chức cả.
Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại công tác tổ chức cán bộ của chúng ta đã thực sự ổn chưa. Đội ngũ công chức nói chung và quan chức nói riêng trong giai đoạn vừa qua đã bộc lộ những yếu kém gì? Nếu không, sẽ có một ngày chúng ta phải chấp nhận thực trạng này để đánh giá hoặc điều chỉnh lại các giá trị văn hóa mới có chỗ cho những người không có lòng tự trọng và phẩm chất văn hóa tồn tại.
Người gửi: Vũ Anh Sơn.
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Nhân luận bàn "văn hoá từ chức"
Tôi đã được đọc bài "Văn hoá từ chức chính là lương tri" của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng QH. Tôi đồng ý với ý kiến bài báo về vấn đề Văn hoá từ chức. Bất kể người nào có văn hoá là những người tốt, đó là theo quan niệm bình thường của người Việt Nam. Việc làm nào hay một hành động nào được thể hiện có văn hoá là những việc làm tốt.
Điều tôi muốn luận bàn rằng: nếu để chấp nhận "văn hoá từ chức" phải đi kèm theo "văn hoá cách chức" như vậy mới đầy đủ vấn đề văn hoá ở đây. Tôi chỉ mong rằng một ngày nào đó chúng ta thực hiện mọi công việc theo một cách nhìn văn hoá là bình đẳng, người tài giỏi có đức độ làm việc có hiệu quả sẽ được giao trách nhiệm lớn. Bỏ đi những kiểu văn hoá nhờ vả, thân quen, cậy quyền thế thì mọi vấn đề sẽ được tốt hơn, tham nhũng sẽ dần mất đi.
Người gửi: hathanhtu
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Làm sao để có "văn hoá từ chức" ?
Việt Nam ta trong vòng 50 năm nay chưa có cái gọi là "văn hoá từ chức". Lý do chưa có thì đúng như ông Nguyễn Sĩ Dũng đã nói. Ngoài ra có một lý do nữa là thiếu tự trọng. Ở nước khác các quan chức "làm chính trị bằng kinh tế", còn ở ta thì "làm kinh tế bằng chính trị". Do đó khi đã có địa vị chính trị thì không dễ gì chịu từ chức.
Để xây dựng được "văn hoá từ chức" phải có "Luật về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan" và phải áp dụng thẳng thừng, kịp thời. Khi đó người ta sẽ mau mau tự lựa chọn "từ chức" để khỏi bị xử lý. Ấy là ta giúp cho họ có lòng tự trọng vậy.