Gặp bế tắc trong công việc, Phương Thúy (30 tuổi, Hà Nội) cảm thấy phải cho mình thời gian nghỉ ngơi. Cô dừng công việc và tìm đến Vườn Xả, dự án phi lợi nhuận tại ngoại ô Buôn Ma Thuột, mong được tĩnh lặng để ngẫm, hiểu về bản thân.
5h mỗi ngày, Phương Thúy được tiếng chuông đánh thức. Sau khi vệ sinh, cô cùng mọi người thiền, đi chợ, dọn dẹp và chuẩn bị các bữa ăn chay. Vào mỗi bữa cơm, Vườn Xả sẽ thỉnh một tiếng chuông để mời mọi người có 10 phút im lặng, tập trung thưởng thức món ăn.
Trong những ngày ở đây, Phương Thúy tự tay trồng rau, gieo các loại cây krum, xà cừ, tiếp xúc với người dân địa phương và hiểu thêm về văn hóa bản địa. Phần lớn thời gian cô dành để đọc sách và viết nhật ký nhằm sắp xếp suy nghĩ của mình.
Cuộc sống nơi đây đơn sơ giản dị nhưng Phương Thúy luôn thấy đủ đầy, được gắn bó và mở lòng với những người bạn mới. "Mỗi người đều mang tổn thương của mình, nhưng khi sẵn sàng chia sẻ, mọi người đều đồng cảm và chạm đến câu chuyện của nhau", cô nói.
10 ngày sau, Phương Thúy nhận ra để chữa lành tinh thần, cô phải buông bỏ suy nghĩ và gác lại trách nhiệm. Trở lại cuộc sống thường ngày với tinh thần thoải mái hơn, cô chia sẻ đã có thể tự trò chuyện với bản thân để bình tĩnh đón nhận khó khăn và không bị cảm xúc chi phối.
"Khi bạn cảm thấy phải đối mặt với quá nhiều việc, trở nên thiếu sáng suốt và không thể bình tĩnh thì nên đến nơi trong lành, ngồi xuống để kết nối với chính mình rất quan trọng", Thúy chia sẻ kinh nghiệm.
Còn Đinh Lăng (25 tuổi, Bình Dương), trục trặc tình cảm khiến tâm lý cô dần mất cân bằng. Mong mỏi thay đổi cảm xúc theo hướng tích cực hơn, cô tìm đến thiên nhiên.
Trong hành trình 5 ngày, với chi phí ba triệu rưỡi đồng gồm ăn uống, nghỉ ngơi và tham gia khóa học viết cùng TS. Đặng Hoàng Giang, Đinh Lăng hướng đến lối sống sinh hoạt khoa học. Cô học thiền, cách quan sát hơi thở, học hát, nghe đọc thơ... nhằm thư giãn và hiểu hơn về cuộc sống.
Với phương pháp khai vấn, TS. Giang đối thoại, đặt những câu hỏi sâu, giúp Đinh Lăng nhận ra vấn đề của mình. Vốn là người thường trốn tránh khó khăn, cô gái trẻ chia sẻ phương pháp này giúp cô dũng cảm trực tiếp đối diện với chính mình. Khi tìm hiểu, biết được những điều ảnh hưởng đến tâm lý bản thân thì không còn suy nghĩ tiêu cực khi khủng hoảng ập đến, như Đinh Lăng chia sẻ.
Hai lần một ngày, trong 10 phút, nhóm của Đinh Lăng ngồi thành vòng tròn, gọi là vòng tròn chữa lành, và chia sẻ suy nghĩ cũng như nhu cầu của bản thân. Phương pháp này đã tạo nên "một tập thể thật sự lắng nghe và mang lại cảm giác an toàn", giúp Đinh Lăng giải tỏa những vấn đề cá nhân mà cô luôn giấu kín.
"Ai cũng có vấn đề về cuộc sống, khi chia sẻ với nhau, mỗi người như một trang sách viết về khó khăn mà khi đứng ngoài mình không bao giờ biết được", Đinh Lăng nói. Giờ đây, cô dành nhiều thời gian cho sở thích cá nhân như vẽ, học đàn. Hiểu rõ khó khăn cũng giúp cô ưu tiên cho những điều quan trọng trong cuộc sống.
Tại mít tinh nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới vào tháng 10/2022, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết ước tính gần 15 triệu người Việt đang mắc các bệnh rối loạn tâm thần. Căn bệnh này bao gồm trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và rối loạn tâm thần do sử dụng các chất gây nghiện. Trong đó, trầm cảm, áp lực phổ biến nhất, chiếm khoảng 5-6% dân số.
Theo Thứ trưởng Thuấn, đây là hậu quả khi các quốc gia chỉ đầu tư khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân của rối loạn tâm thần không được xác định cụ thể, thường do sự kết hợp của các yếu tố sinh học, tâm lý và môi trường. Hiện các biện pháp tư vấn, trị liệu tâm lý chưa được phát triển đầy đủ.
Theo TS. Đặng Hoàng Giang, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, nhiều người có độ tuổi và môi trường sống khác nhau, nhưng trong trạng thái mất phương hướng, hoặc cần kết nối với bản thân giữa ồn ào cuộc sống.
Ông cho rằng thế giới và Việt Nam đã có nhiều mô hình giúp mọi người tách ra khỏi cuộc sống bận rộn, thực hành chánh niệm sinh hoạt. "Sống gắn bó với thiên nhiên, được chia sẻ, lắng nghe trong một tập thể không phán xét sẽ cải thiện được đáng kể sức khỏe tinh thần", TS. Giang nói.
TS. Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, cũng cho rằng việc ngắt kết nối và tập trung vào hiện tại giúp mỗi người giảm thiểu khủng hoảng, xây dựng lối sống lành mạnh, từ đó điều chỉnh cảm xúc, hành vi cá nhân. Theo ông, sức khỏe tâm thần luôn là ưu tiên hàng đầu, cần xây dựng lối sống tích cực để cơ thể, đời sống tinh thần cũng như mối quan hệ xã hội được khỏe mạnh.
"Nếu bạn có các rối loạn hay bệnh lý tâm thần, cần phải tìm kiếm dịch vụ trợ giúp chuyên nghiệp như bác sĩ chuyên khoa hoặc nhà tâm lý lâm sàng", TS. Công khuyên.
Hải Hà