Ngày 16/7, con trai chị Thảo, bé Phan Đình Nguyên chào đời ở tuần thứ 28 tại Bệnh viện Bạch Mai. Bé sinh mổ, nặng 1,15 kg, con thứ hai của vợ chồng chị Thảo, được chăm sóc trong lồng kính tại phòng Hồi sức Nhi.
Chị Thảo, quê xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, là giáo viên một trung tâm tiếng Anh ở thành phố Hà Tĩnh. Thảo kết hôn với anh Phan Đình Kỳ, 33 tuổi, quê huyện Lộc Hà, năm 2015, đón con gái đầu lòng một năm sau đó. Đầu năm 2020, Thảo mang thai con trai thứ hai. Tuần thứ 21 của thai kỳ, mệt mỏi, sốt nhiều, chị đi khám, được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư máu cấp tính.
Thảo cảm thấy mọi thứ như đổ sập trước mắt, tâm lý suy sụp. Đang làm công nhân kỹ thuật xây dựng, anh Kỳ nghỉ việc, gửi con gái nhỏ cho ông bà để ra Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc vợ. Thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng 11 triệu đồng, còn phụ thuộc vào nghề nuôi trồng thủy sản của ông bà nội. Do Covid-19, nghề xây dựng ít việc, nuôi trồng thủy sản cũng mất mùa, anh Kỳ vay ngân hàng, người thân hơn 200 triệu đồng để lo chi phí điều trị cho vợ.
Những ngày đầu được chẩn đoán mắc ung thư, nhiều đêm nằm trong phòng, vợ chồng anh Kỳ nhìn nhau khóc. Sáng ngủ dậy, cả hai phải cố tỏ ra lạc quan để con, bố mẹ và người thân cảm thấy không buồn lòng.
"Khi ra Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nêu tình trạng bệnh tật của Thảo, hỏi nên bỏ hay giữ thai nhi. Vợ chồng quyết tâm giữ. Hôm biết kết quả chính xác bị ung thư là ở tuần thứ 21, đau nhưng vợ đề nghị bác sĩ không truyền hóa chất, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Đến tuần 26, bệnh trở nặng quá, bạch cầu tăng cao, lúc này bắt buộc phải truyền hóa chất để bạch cầu giảm xuống", anh Kỳ kể.
Hôm vợ mổ bắt con ở tuần 28, anh Kỳ đứng ngoài ngóng tin, hồi hộp xen lẫn lo lắng. Anh tâm sự những ngày trước Thảo sốt nhiều, nhiễm khuẩn, bác sĩ thông báo phải mổ bắt con. Kíp phẫu thuật cho hay ca mổ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yêu cầu vợ chồng chuẩn bị sẵn tư tưởng và tâm lý. Khi bé Nguyên chào đời an toàn, anh Kỳ thở phào, song thấy vợ không ăn uống được nên chỉ biết im lặng, nuốt ngược nước mắt.
"Bé sinh non nên thể trạng yếu, hơn một tuần qua tôi luôn đưa sữa vào, mỗi ngày gặp cháu được 5 phút. Tôi không biết làm gì khác ngoài cầu nguyện cho hai mẹ con được bình an", anh Kỳ chia sẻ.
Sức khỏe Thảo hiện không có dấu hiệu tiến triển, ăn uống ít. "Tôi mệt đi không nổi. Lâu lắm rồi không được nhìn thấy con gái ở quê, bé vừa sinh cũng vậy. Tôi sẽ cố gắng chữa bệnh để về với các con", chị nói.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của Thảo biết chuyện đã gọi điện hỏi thăm, động viên, song chị không thể hồi đáp. "Thảo rất hiền lành, hòa đồng, có chuyên môn tốt. Biết tin bạn bị ung thư, ai cũng sốc và hụt hẫng, nhiều người đã lên mạng kêu gọi để giúp đỡ", chị Thủy Lê, một đồng nghiệp của Thảo cho hay.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh ung thư máu của bệnh nhân Thảo đang theo chiều hướng xấu. Phương pháp điều trị tích cực là ghép tế bào gốc, kinh phí hơn 200 triệu đồng. Theo anh Kỳ, chi phí này có thể tốn kém hơn rất nhiều, nếu như không tìm được tế bào ưng ý từ người thân và phải đi mua tủy để ghép. Người đàn ông 33 tuổi thương vợ, nhưng lo không biết xoay đâu ra khoản kinh phí lớn.