Bà cho biết: "Nếu tiêm vaccine, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi khi giữ mạng sống thêm được vài tháng hoặc năm, trong khi những người phải tiêm sau thì còn cả cuộc đời dài phía trước".
Quyết định của bà Cherbas gợi nhắc những nghĩa cử của nhiều người khác giữa thời Covid-19. Tuy nhiên, bác sĩ Timothy Lahey, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Đại học Vermont, cho rằng: "Về mặt cá nhân, bà Cherbas không có nghĩa vụ phải hy sinh vì người khác để rồi đặt mình vào nguy hiểm. Nếu có đủ điều kiện nhận vaccine, bà ấy không nên cảm thấy day dứt".
Xét trên phạm vi toàn dân, các nhóm ưu tiên tiêm vaccine nhằm mục đích giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng và tử vong. Vì thế, theo bác sĩ Lahey, bà Cherbas nên tiêm phòng khi đến lượt. "Tất nhiên, bà ấy có thể nhường quyền lợi của mình cho người khác, nhưng việc đó sẽ không đóng góp nhiều cho hiệu quả chung của hệ thống phân phối vaccine", ông nói.
Bà Cherbas còn một nỗi bận tâm khác. Thuốc hóa trị bà đang sử dụng có thể tiêu diệt các tế bào ung thư đang phân chia, bà lo vaccine Covid-19 sẽ mất tác dụng. Vốn là nhà di truyền học phân tử, bà nói: "Sự phát triển của phản ứng miễn dịch liên quan đến nhiều hoạt động phân chia tế bào. Quá trình này sẽ khó xảy ra với sự xuất hiện của thuốc chống phân bào".
Bác sĩ điều trị ung thư liên tục khuyên bệnh nhân tiêm vaccine Covid-19, bà Cherbas đã vượt qua những ngần ngại để đặt lịch hẹn tiêm phòng.
Giống như bà Cherbas, những bệnh nhân ung thư cần trao đổi với bác sĩ của họ về trường hợp đặc biệt của mình. Theo tiến sĩ Otis Brawley, cựu viên chức y tế và khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, hiện là giáo sư khoa ung thư tại Đại học Johns Hopkins, không có hướng dẫn nào cho người bệnh ung thư từ các nhóm phi chính phủ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Hội đồng Nghiên cứu Y học Anh (MRC) để lại trách nhiệm này cho các bác sĩ trực tiếp làm việc với bệnh nhân, đồng thời đề xuất rằng vaccine an toàn đối với người bệnh.
Trong điều kiện lý tưởng bệnh nhân ung thư có thể được tiêm phòng tại nơi điều trị thay vì đến điểm tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, giới hạn độ tuổi và những vấn đề trong khâu triển khai vaccine khiến nhiều người mệt mỏi. Tiến sĩ Brawley khuyên bệnh nhân của ông nên tiêm trong thời gian hồi phục và khám lại. Chắc chắn vaccine sẽ không hiệu quả cao như ở người khỏe mạnh, nhưng ít nhiều vẫn có khả năng bảo vệ.
Ngoài ra, vaccine dựa trên công nghệ mRNA của Moderna và Pfizer được cho là an toàn với người bị suy giảm miễn dịch, do chúng không được điều chế từ virus sống. Tiến sĩ Brawley giải thích rằng các vật liệu di truyền trong vaccine khiến cơ thể tạo ra loại protein giống trong protein gai của nCoV. Hệ miễn dịch nhận biết protein này và sản sinh ra kháng thể chống virus.
Tiến sĩ William Nelson, Giám đốc Trung tâm Ung thư Toàn diện Sidney Kimmel của Đại học Johns Hopkins, đồng ý rằng điều tệ nhất có thể xảy ra với bệnh nhân ung thư khi tiêm vaccine Covid-19 là tác dụng của vaccine bị giảm, đặc biệt đối với người đang chữa bệnh bạch cầu dòng lympho tế bào B và đa u tủy. Nguyên nhân là phác đồ điều trị những bệnh này nhắm vào các tế bào sản xuất kháng thể. Đối với những người được ghép tủy xương, tiến sĩ Nelson khuyến cáo nên tiêm vaccine vào 3-6 tháng sau ca ghép, để đảm bảo hệ miễn dịch đã phục hồi.
Bên cạnh đó, người bệnh ung thư cần thực hiện các nguyên tắc phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách, rửa tay... Do thường có lượng bạch cầu thấp, họ gặp phải các triệu chứng như sốt, đau mỏi cơ, đau đầu, ho khan, dễ nhầm lẫn với Covid-19. Tiến sĩ Nelson cho biết: "Những bệnh nhân này cần được nhanh chóng xét nghiệm và cách ly tại cơ sở thích hợp".
Mai Dung (Theo New York Times)