Trung tuần tháng 5, trụ sở mới của Trạm Kiểm dịch động vật nội địa tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, cửa cổng đóng kín, không bóng người. Các phòng chức năng nhiều chỗ bị thấm nước, mạng nhện bao phủ, bên trong chưa bố trí bàn ghế và dụng cụ làm việc. Từ cổng không thể đi thẳng, vì trước mặt là ruộng. Bên phải có đường đất rộng hơn 5 m nối với quốc lộ 1, dẫn vào trụ sở của một công ty vận tải, thỉnh thoảng có vài ôtô ra vào, xe vào trạm phải đi qua đây.
Cách đó vài trăm mét, cán bộ của trạm kiểm dịch vẫn làm việc tại căn nhà cấp bốn tạm bợ thuê của dân địa phương. Mọi hoạt động như kiểm tra chứng nhận kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng đều diễn ra tại đây, bên quốc lộ 1.
![Trụ sở mới của Trạm kiểm dịch động vật nội địa (góc trái) đang sử dụng lối đi chung với doanh nghiệp vận tải bên cạnh. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/22/tru-so-tram-kiem-dich-1-9096-1653185755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nqrfPcdjtUmfzgTuVuy-xg)
Trụ sở mới của Trạm kiểm dịch động vật nội địa (góc trái) đang sử dụng lối đi chung với doanh nghiệp vận tải bên cạnh. Ảnh: Đức Hùng
Ông Nguyễn Tiến Chương, phụ trách Trạm Kiểm dịch nội địa, cho hay chưa thể nhận bàn giao trụ sở khi chủ đầu tư chưa làm đường gom đấu nối từ cổng ra quốc lộ 1. "Trước kia, một ngày có hơn 20 ôtô chở động vật dừng tại trạm làm thủ tục kiểm dịch, hiện nay mỗi ngày có khoảng 5-10 xe. Xe ít thì không sao, nhưng khi nhiều phương tiện cũng đồng nghĩa với lượng người qua lại đông, sử dụng lối đi chung gây ra nhiều bất tiện", ông Chương nói.
Trụ sở mới sân rộng 300 m2, phương tiện dừng đỗ được lâu hơn, phù hợp cho việc kiểm dịch. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng hoạt động chuyên môn tại căn nhà thuê cách đó vài trăm mét vẫn diễn ra đúng quy trình, vì hiện xe chở động vật qua lại ít nên "dùng tạm được". Trạm có 6 cán bộ làm việc thường xuyên.
![Dãy nhà điều hành được xây mới khang trang hiện để không. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/22/tram-kiem-dich-2-8372-1653185755.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q2faagM0BM86oslfQNCIrA)
Dãy nhà điều hành được xây mới khang trang đang để không. Ảnh: Đức Hùng
Công trình trụ sở làm việc Trạm Kiểm dịch động vật nội địa được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2015 trên diện tích 2.500 m2, tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trích từ ngân sách, tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất cùng tài sản của trạm kiểm dịch cũ ở huyện Nghi Xuân và nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình ban đầu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, đến năm 2018 chuyển giao Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.
Nhà chức trách đánh giá, dự án có ý nghĩa quan trọng cho ngành thú y, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện làm việc và hoạt động nghiệp vụ đặc thù của cán bộ nhân viên Trạm Kiểm dịch động vật nội địa, trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh). Khi trụ sở đưa vào sử dụng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng con giống vật nuôi và thủy sản, hạn chế sự lây lan dịch bệnh từ địa phương khác vào địa bàn Hà Tĩnh.
![Cán bộ của trạm kiểm dịch đang làm việc tại căn nhà thuê tạm bợ cách trụ sở mới vài trăm mét. Ảnh: Đức Hùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/22/tram-kiem-dich-1-6902-1653185756.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4BEMWe4kuIz8J5LxnvuQ3Q)
Cán bộ của trạm kiểm dịch đang làm việc tại căn nhà thuê tạm bợ cách trụ sở mới vài trăm mét. Ảnh: Đức Hùng
Sau 6 năm thi công, tháng 9/2021 công trình hoàn thành. Hạng mục chính có dãy nhà làm việc hai tầng diện tích hơn 300 m2, bao gồm các phòng làm việc, phòng chức năng, phòng họp, phòng ăn và khu vệ sinh. Ngoài ra, còn có các khu nhà trực phúc kiểm, nhà nhốt động vật, lò tiêu hủy. Một số hạng phụ trợ cũng được bố trí mới như cổng, hàng rào, sân, gara, hệ thống điện chiếu sáng...
Thời điểm đó, Sở Xây dựng đánh giá trạm kiểm dịch hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế, chấp thuận nghiệm thu và bàn giao, ban hành văn bản cho phép đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phía đơn vị thụ hưởng là Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh chưa đồng ý tiếp nhận vì trụ sở chưa có lối vào, phải sử dụng chung đường với một doanh nghiệp bên cạnh.
Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho biết, theo quy hoạch phân khu phường Đậu Liêu được phê duyệt từ năm 2014, vị trí xây trạm kiểm dịch không có đường gom, nằm trong thửa đất dự kiến xây khu dịch vụ thương mại, điểm gần nhất được thiết kế đấu nối cách trạm khoảng 150 m. Để làm đường gom thì trước mắt phải hình thành được khu thương mại, song đến nay chưa có quy hoạch đầu tư cụ thể, nên chưa có cơ sở xây đường.
Hiện trạng Trạm Kiểm dịch động vật nội địa ở thị xã Hồng Lĩnh. Video: Đức Hùng
Theo ông Bùi Huy Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án, kinh phí làm đường gom khoảng 3 tỷ đồng, nhưng trường hợp này đáng lẽ nên "thông cảm với nhau một tý", trước mắt trạm kiểm dịch nên sử dụng chung đường với doanh nghiệp rồi từ từ tìm giải pháp khắc phục.
"Việc đơn vị thụ hưởng từ chối nhận trụ sở khiến công trình không thể bàn giao. Về lâu dài một số hạng mục xuống cấp, chủ đầu tư sẽ tốn thêm nhiều chi phí trông coi và sửa chữa. UBND tỉnh đang giao các sở rà soát điều kiện về thủ tục đấu nối, những căn cứ quy hoạch để xem xét", ông Cường nói.