Cách đây 3 năm, bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm, được bác sĩ tư vấn phẫu thuật xử lý khối u triệt căn, cơ hội khỏi bệnh 99%. Tuy nhiên, ông từ chối vì "cảm thấy vẫn khỏe, không có biểu hiện gì", sau đó cũng không kiểm tra lại.
Năm 2022, người bệnh đi khám vì đau bụng, đồng ý phẫu thuật, nhưng không chấp nhận hóa trị vì cho rằng "đó là chất độc". Người đàn ông cũng không tái khám, dùng thuốc nam theo giới thiệu của người quen.
Đầu tháng 10, ông quay lại khám. Bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, nói không thể can thiệp do khối u lan rộng. Kết quả siêu âm và xét nghiệm cho thấy bệnh đang tiến triển rất nhanh, ung thư đã di căn nhiều nơi trong gan và ổ bụng. Chất chỉ điểm u trong máu (CEA) tăng vượt quá giới hạn máy có thể đo được.
"Tiên lượng của bệnh nhân khá ngặt nghèo, việc điều trị bây giờ chỉ để vớt vát, giảm đau", bác sĩ nói, thêm rằng "đây là cái giá quá đắt". Nếu bệnh nhân chọn phẫu thuật, nhất là khi ở giai đoạn sớm thì không phải đánh đổi bằng cả tính mạng, ông Thành cho hay.
Trường hợp khác, nữ, 57 tuổi, sau nửa năm bỏ điều trị về nhà ăn thực dưỡng, trở lại Bệnh viện K trong tình trạng suy kiệt, khối u chuyển giai đoạn cuối. Bệnh nhân mắc ung thư đại tràng, đã phẫu thuật và phục hồi tốt. Bác sĩ chỉ định hóa chất để xử lý khối u, song bà từ chối.
"Không phải bệnh nhân không thể điều trị mà do bệnh nhân lựa chọn không điều trị và tự rút ngắn sự sống của mình", bác sĩ nói.
Tỷ lệ mắc mới và tử vong của Việt Nam tăng nhiều bậc trên bản đồ ung thư GLOBOCAN thế giới. Năm 2021, tổ chức này ghi nhận Việt Nam ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới, tăng 9 bậc so với năm 2018. Về tỷ suất tử vong, Việt Nam xếp thứ 50/185, tăng 6 bậc so với ghi nhận 2018.
Mỗi năm nước ta có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong. Hiện, khoảng 354.000 người sống chung với bệnh ung thư - gấp nhiều lần so với 30 năm trước.
Hiện, Việt Nam chưa có thống kê bệnh nhân bỏ điều trị, song tỷ lệ người lựa chọn uống thuốc nam, ăn thực dưỡng thay vì điều trị theo chỉ định ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Thành, bệnh ung thư nói riêng và các bệnh khác nếu lựa chọn điều trị không đúng thì người bệnh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đối với ung thư, yếu tố chính tác động đến tỷ lệ chữa khỏi là việc phát hiện sớm hay muộn, tiếp đến là giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp.
Hiện, ung thư đã có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, nhưng nhiều người đến khám ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân có thể là khó khăn kinh tế, bất cập của hệ thống y tế, do thông tin giả tràn lan không được kiểm chứng. Bệnh nhân ung thư vẫn ám ảnh bởi quan niệm "ung thư là án tử" hay "đụng dao kéo chết sớm" nên càng dễ hoang mang, khủng hoảng tinh thần. Lợi dụng điều này, nhiều "lang băm" tìm cách lôi kéo, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây hại cho người bệnh.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc mới điều trị ung thư giá đắt hơn 100 triệu đồng một liều, bảo hiểm y tế (BHYT) không chi trả khiến bệnh nhân khó mua được, đồng nghĩa chấp nhận mất cơ hội sống. Hay liệu pháp miễn dịch được các bác sĩ đưa vào điều trị ung thư tại Việt Nam 5 năm, đến nay chưa được đưa vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.
"Dù vậy, trước khi bệnh nhân và người nhà ký bệnh án xin ra viện, tôi vẫn dành thời gian để thuyết phục lần cuối để đỡ cảm thấy day dứt lương tâm", bác sĩ nói.
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng việc bệnh nhân chọn quay lưng với bác sĩ là điều trăn trở nhất khi làm nghề, "bởi hầu hết đều gặp biến chứng và bệnh nặng hơn khi quay lại". Như bệnh nhân nữ 43 tuổi bị ung thư vú, không đi viện, ở nhà nhịn ăn khiến khối u hoại tử, vỡ loét, tăng từ hai cm lên 20 cm chỉ trong hai năm. Khi nhập viện, bác sĩ cắt bỏ một bên ngực, sau đó phẫu thuật lấy da đùi ghép vào vùng da ngực tổn thương.
"Nhiều năm làm nghề, tôi thấy bệnh nhân nào uống thuốc nam, ăn thực dưỡng mà khỏi bệnh", bác sĩ nói.
Các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Hiện tại Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm đến 30 năm.
Để hạn chế sai lầm trên, các bác sĩ khuyến nghị mọi người duy trì lối sống lành mạnh, người trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư sớm. Khi phát hiện bệnh, nên điều trị theo phác đồ, tránh theo những quan niệm sai lầm và các phương pháp điều trị truyền miệng, không có căn cứ khoa học.
Thùy An