![]() |
Nhà dân tộc học Từ Chi. |
Cụ Từ vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi. Cụ là thành viên của dòng họ Nguyễn Đức danh tiếng ở Can Lộc - Hà Tĩnh, con trai của dược sĩ Nguyễn Kinh Chi, cháu trai của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi. Mẹ cụ là bà Tôn Nữ Thị Vân, thuộc dòng hoàng tộc. Từ Chi vừa mang trong mình sự thông minh, cá tính của con người xứ Nghệ, vừa mang những nét thâm trầm, hóm hỉnh của người dân xứ Huế.
Từng "chu du" sang Pháp nghiên cứu và tham gia đoàn chuyên gia trợ giúp giáo dục cho các nước châu Phi, nhưng "mảnh đất thiêng" của Từ Chi là làng quê VN, là những rẻo đất xa xôi nhưng có sự cư trú của người Mường. Ông sang phương Tây, tìm hiểu thuyết cấu trúc luận của người Pháp để về ứng dụng vào việc nghiên cứu những hoa văn trên cạp váy người Mường. Những phát hiện của ông là minh chứng sinh động về tính bản địa của nền văn hoá Đông Sơn, góp phần khẳng định vai trò chủ nhân quan trọng của cư dân Việt - Mường với nền văn hóa này.
Từ Chi qua nét vẽ của họa sĩ Trần Duy.
Những kết quả nghiên cứu của Từ Chi là sản phẩm của tinh thần lao động khoa học nghiêm túc chân chính. Coi "Dân tộc học là học dân", Từ Chi đề cao tính chủ thế và quan điểm bản địa như một nguyên tắc nghiên cứu dân tộc học của mình. Những di sản để lại còn cho thấy một Từ Chi gắn bó mật thiết với cuộc sống và những sinh hoạt dân dã của người Mường, đến độ chính ông cũng bị "Mường hóa", trở thành một "ông già Mường ra tỉnh" trong mắt bạn bè và đồng nghiệp.
Nhưng cuộc sống của nhà khoa học chân chính ấy quá đạm bạc và nghèo đói. Con cháu của ông có mặt trong buổi triển lãm không cầm nổi nước mắt trước những hiện vật và tư liệu gợi nhớ lại những ngày tháng khổ hạnh của bậc tiền bối. Bà Lê Thị Từ Hạnh, cháu gọi ông bằng cậu, cho biết: "Những vật bất ly thân của cậu tôi là một chiếc túi may bằng những mảnh vải ghép, một chiếc xe rách tơi tả, một chiếc điếu cày, một cặp lồng cơm có ít lạc rang, dưa và cá mè nấu rau muống. Cậu tôi suốt ngày mang theo một đôi dép đã vẹt một góc, gót chân phải để ra ngoài".
Không màng danh vọng, không chức, không quyền, ý nghĩa lớn nhất của sự tồn tại đối với ông dường như chỉ là khoa học. Triển lãm còn trưng bày những dòng chữ chép tay đầy xúc động của ông: "Xin gửi anh bản Le bambou mà Viện Thông tin qua anh đặt tôi dịch ra tiếng Việt. Đề nghị anh báo cáo với đồng chí phụ trách mấy việc sau: 1, Tổng số chữ trong bản dịch 5.656 từ Việt. 2, Xin thanh toán cho càng sớm càng tốt. Lý do: Đói. 3, Mà thanh toán bằng giá nào chứ như giá cũ thì bỏ bố tôi".
![]() |
Bút tích của GS. Từ Chi. |
Trong một lời bình cho bức tranh họa sĩ Trần Duy vẽ Từ Chi, Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Lâm Biền viết: “Nếu bạn có thể hình dung một bác đứng bơm xe ở góc đường phố, chỉ cần tưởng tượng thêm cái bụng là có được một Từ Chi rồi đó”.
Ông được bạn bè, đồng nghiệp và những thế hệ học trò nhớ đến bởi những cống hiến đối với ngành dân tộc học cùng đức tính khiêm nhường, hóm hỉnh và giản dị chứ không phải bằng những vinh quang và danh vọng. Vượt lên tất cả những khốn khó của đời thường, Từ Chi được coi là nhà dân tộc học hàng đầu VN thế kỷ XX. Với sự giới thiệu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm 4 công trình: "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ", "Hoa văn Mường", "Hoa văn các dân tộc Giarai - Bana", "Người Mường ở Hoà Bình".
Triển lãm về nhà dân tộc học Từ Chi sẽ diễn ra đến 10/11.
Lưu Hà