ND là loại filter cho phép thay đổi cường độ ánh sáng vào ống kính, cho phép người chụp có thể thay đổi ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập một cách linh hoạt để tạo ra những hiệu ứng ánh sáng hoặc chuyển động mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Theo đó, kính lọc ND thường có màu đen hoặc nâu, tùy thuộc vào độ giảm cường độ ánh sáng nhiều hay ít (được đo bằng f-stop).
Phơi sáng thời gian dài lúc trời sáng là không thể nếu không có filter ND. |
Kính lọc tự chế có những ưu điểm nổi bật là giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 6.000 đồng và thời gian chế tạo rất nhanh. Chất lượng hình ảnh tùy vào sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của người thực hiện sẽ có thể gần bằng "kính xịn" với kích thước ảnh trung bình.
Tuy nhiên, filter ND tự chế khác với "hàng xịn" ở chỗ cần phải trải qua giai đoạn xử lý hậu kỳ để thu được hình ảnh tương tự. Hơn nữa, chất lượng hoàn hảo khi "soi" từng pixel cũng không thể ngang với những chiếc kính lọc giá trị đến hàng trăm USD.
Dưới đây là một số bước chế tạo filter ND rất dễ thực hiện, giá thành rẻ với hiệu quả tương đối tốt.
Một số dụng cụ cần thiết. |
Bạn phải chuẩn bị một kính hàn được bán ở hầu hết các cửa hàng cơ khí với giá khoảng 3.000 đồng một chiếc. Vì một chiếc có kích thước khá nhỏ, chỉ gần vừa với một ống kính có đường kính filter 52mm, nên cần ghép 2 chiếc lại thành một tấm kính cỡ lớn.
Hiện nay, chủ yếu có hai loại kính hàn: màu xanh lục và màu nâu. Bạn nên chọn loại màu xanh để công đoạn hậu kỳ đơn giản hơn. Tuy nhiên, rất khó nhận biết vì cả hai đều có màu đen khi nhìn bằng mắt thường. Bạn hãy đưa kính lên soi trước nguồn sáng mạnh, như đèn flash điện thoại, mặt trời, bóng đèn... để kiểm tra màu. Ngoài ra, vì kính hàn chỉ quan trọng yếu tố chặn sáng nên chất lượng không đồng đều. Bạn chỉ nên mua loại kính trơn, nhẵn, không lồi lõm. Kiểm tra bằng cách đặt nghiêng kính trước nguồn sáng rồi xem độ biến dạng của hình ảnh phản chiếu. Nếu hình ảnh vẫn được giữ nguyên trên 2 mặt thì kính đạt tiêu chuẩn chế tạo filter.
Cuối cùng cần chuẩn bị: keo dán, bìa cứng, kéo, băng dính đen, filter UV (nếu dán tấm kính vào filter) hoặc dây buộc (nếu cố định tấm kính vào hood, hoặc lens).
Bước tiếp theo là ghép kính.
Cắt tấm bìa để thu được 4 thanh dọc. |
Dùng keo dán vào kính. |
Tấm kính đã được dán. |
Cắt tấm bìa thành những dải bề rộng khoảng 2 cm. Dùng keo dán chặt những tấm bìa này vào cạnh bên của 2 tấm kính hàn cần ghép. Lưu ý, có một tấm kính hàn lớn mà không cần ghép là tốt nhất, tuy nhiên loại kính này không phổ biến.
Che khe hở bằng băng dính đen. |
Vì 2 tấm kính chỉ được ghép lại ở 2 bên, khe hở ở giữa có thể để lọt ánh sáng vào làm hỏng bức ảnh phơi sáng. Vì vậy, có một cách đơn giản là sử dụng băng dính màu đen để chặn. Lưu ý rằng việc này không làm xuất hiện một vệt đen (băng dính) trong ảnh, mà chỉ làm giảm đi phần nào lượng ánh sáng vào ống kính, tùy thuộc vào kích cỡ dải băng dính đen. Ở đây tốt nhất nên dùng một dải băng dính thật nhỏ, chỉ vừa đủ che lại khe hở.
Dùng keo dán tấm kính vào filter là một cách đơn giản. |
Có nhiều cách cố định tấm kính hàn, miễn sao không để lọt ánh sáng nhiều vào trong ống kính. Bước này tốt nhất bạn nên dùng keo gắn tấm kính vừa tạo xong vào mặt trước của filter UV. Hoặc cũng có thể dùng dây buộc tấm kính vào hood hoặc vào lens. Nếu có khe hở thì nên xử lý như bước trước.
Sau đó vệ sinh kính với nước lau ống kính thông thường, hoặc cồn 70%. Lưu ý không dùng giấy ăn hoặc bông gòn vì những vật liệu này thường để lại bụi, lông.
Xem tiếp các công đoạn tiếp theo:
Nguyên Khánh