Kết quả là 63.470.861.269, Prakash, chàng trai được đặt biệt danh ở Ấn Độ là "người tính nhanh nhất thế giới", đưa ra đáp án chỉ trong 26 giây.
Theo Sách Kỷ lục Limca - phiên bản Ấn Độ của sách Kỷ lục Thế giới Guinness - não của Bhanu xử lý con số với tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần so với người thường.
Bhanu nói rằng anh có thể thực hiện các phép tính phức tạp như vậy với tốc độ chóng mặt nhờ "luyện tập có cấu trúc". "Ví dụ, khi làm phép tính 8.763 x 8, có lẽ tôi sẽ làm các phép tính 8.000 x 8 = 64.000, 700 x 8 = 5.600, 60 x 8 = 480, 3 x 8 = 24. Và tôi cộng tất cả lại. Nhưng điều quan trọng là phải ghi nhớ tất cả những số này", Bhanu nói.
"Các phương pháp mà tôi sử dụng rất giống với các phương pháp chung nhưng có một số điều đặc biệt nhất định, về cơ bản đó là tối ưu hóa não bộ. Tôi tối ưu hóa các phương pháp của mình và làm cho chúng tốt hơn".
Hôm 15/8, Bhanu, đến từ Hyderabad ở bang Telangana, miền nam Ấn Độ, trở thành người châu Á đầu tiên giành huy chương vàng tại Giải vô địch Tính nhẩm Thế giới tại Olympiad Thể thao Trí tuệ (MSO) ở London. Anh là người ngoài châu Âu đầu tiên chiến thắng trong lịch sử 23 năm của cuộc thi.
Bhanu đã đánh bại 29 đối thủ đến từ 13 quốc gia để giành lấy huy chương vàng. Tốc độ của anh nhanh đến mức các giám khảo yêu cầu anh tính thêm một số phép tính phụ để xác nhận thành tích.
Chiến thắng của Bhanu khiến nhiều người cảm thấy khó tin khi biết anh từng bị chấn thương nặng ở đầu. Năm 2005, khi 5 tuổi, Bhanu bị ngã từ xe máy của anh họ trong một tai nạn giao thông, Bhanu đập đầu xuống đường và bị vỡ xương sọ. Anh phải khâu 85 mũi và làm nhiều phẫu thuật.
Khi Bhanu tỉnh dậy sau gần 7 ngày hôn mê, các bác sĩ nói với cha mẹ Bhanu anh có thể bị suy giảm nhận thức trong suốt quãng đời còn lại. Anh nằm liệt giường cả năm sau đó.
"Tai nạn đó đã thay đổi cách tôi định nghĩa về niềm vui và làm nên con người tôi ngày hôm nay", anh nói. Trong thời gian hồi phục, Bhanu học cách chơi cờ vua, giải đố và làm toán để rèn luyện trí não.
"Tôi nhớ rất rõ nỗi đau. Đây là trải nghiệm đau thương nhất đời tôi", anh nói. "Tôi không thể đi học trong một năm. Tất cả những gì tôi dựa vào để hồi phục là những con số và câu đố".
Vết thương ở đầu để lại cho Bhanu một vết sẹo. Để con không mặc cảm, cha mẹ Bhanu đã bỏ tất cả gương trong nhà trong suốt một năm. Nhưng anh quyết tâm không để vết sẹo đó cản bước mình. "Nó thúc đẩy tôi tiến về phía trước, tôi biết có lĩnh vực mà tôi giỏi và tôi sẽ chứng tỏ bản thân trong lĩnh vực đó", anh nói.
Năm 2007, Bhanu, khi đó 7 tuổi, giành giải ba trong một cuộc thi làm toán nhanh cấp bang. Bhanu nói rằng bố anh đã khóc khi anh giành được thành công. "Điều khiến bố tôi cảm động không phải là huy chương mà là con đường dẫn tôi đến với nó", anh nói.
Bhanu sau đó giành thêm nhiều chiến thắng, gồm Cuộc thi Làm toán nhanh Quốc gia năm 2011. Từ năm 13 tuổi, anh đại diện cho Ấn Độ trong cuộc thi quốc tế và phá vỡ 4 kỷ lục thế giới về tính toán. Anh cũng đã phá vỡ 50 kỷ lục Limca của Ấn Độ.
Bhanu cho biết chiến thắng tại MSO của anh có thể là chiến thắng cuối cùng, vì anh muốn tập trung vào công việc từ thiện.
"Tôi không chắc liệu mình có tham gia các cuộc thi nữa hay không", anh nói. "Tôi không nghĩ mình nên tiếp tục. Tôi đã chứng tỏ được khả năng. Giờ tôi có lợi thế là tôi có thể truyền đạt thông điệp đến với mọi người, tốt hơn là tôi nên sử dụng nó".
"Tôi không muốn trở thành gương mặt đại diện cho toán học, đã có nhiều người như vậy và họ đều xuất chúng. Tôi muốn trở thành gương mặt chống lại nỗi sợ toán. Nó rất đơn giản".
Phương Vũ (Theo CNN)