Từ thành Trường An, Trung Quốc những thương lái rong ruổi sâu vào lục địa, qua sa mạc Taklimakan nóng bỏng rồi sang Kyrgyzstan, Tajikistan, Afganistan, Ba Tư rồi Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia có vị trí đặc biệt nằm giữa đôi bờ Âu - Á chính là một phần quan trọng của con đường tơ lụa.
Tôi đặt bước chân đầu tiên một cách sung sướng đến đất nước có vị trí địa lý đặc biệt nối hai lục địa. Những chuyến xe bus ngày và đêm đưa tôi hết từ đô thị này sang đô thị kia. Thi thoảng tôi lại có cơ hội ghé lại các caravanserai cổ kính. Caravanserai là danh từ chỉ những nhà khách lớn dành cho thương lái nghỉ chân trong quá trình vận chuyển hàng hóa tỏa đi khắp nơi từ Á sang Âu, từ bắc xuống nam đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trước đây. Chỉ nghe cái tên thôi cũng đủ để tưởng tượng không khí của những ngày xưa khi từng đoàn người ngựa ngược xuôi chở theo không chỉ vải vóc, lụa là, châu báu mà con mang theo những nền văn hóa, tín ngưỡng khiến cho thế giới xích lại gần nhau hơn. Dòng suy nghĩ miên man cứ loang loáng chảy qua trong tâm trí tôi trên con đường từ Cappadocia đến Konya.
Chiếc xe bus chở những tâm hồn yêu xê dịch dừng lại tại Sultan Hani tọa lạc gần thủ phủ tỉnh Aksaray miền trung Thổ. Đây là một trong những caravanserai cổ và lớn nhất dưới thời kỳ Seljuk còn lưu giữ cho đến ngày nay do Allattin Keykubat I cho xây dựng vào năm 1229. Sau một cơn hỏa hoạn, nó được sửa chữa lại vào năm 1278 bởi thống sứ Siracettin El Hasan trong thời trị vì của Giyasettin Keyhusrev.
Thẫn thờ, tần ngần trước ngưỡng cửa của công trình kiên cố như pháo đài, tôi lạc bước vào không gian huyền bí bên trong. Chiều muộn, vắng lặng, ngồi trên đỉnh tháp canh nhìn xuống, cảm giác tiếng gọi lịch sử vọng về. Hẳn những thương lái luôn cảm thấy ấm cúng và thân tình trong “quán trọ” không lồ này. Ngựa và lạc đà của họ được cho ăn uống, hàng hóa được bảo quản khỏi những tên cướp trên sa mạc nhờ lớp tường thành vững chắc và đội cung thủ sẵn sàng chiếu đấu. Nếu không có những caravanserai, hẳn các chuyến đi buôn sẽ trở nên khó khăn bội phần. Cứ 8 - 10 tiếng đi bộ hay khoảng 40 km người ta lại cho xây một caravanserai và lữ khách có thể lưu trú hoàn toàn miễn phí trong 1 - 2 ngày đầu. Đó phải chăng là một trong những lý do mà dưới thời Seljuk, nền kinh tế với hoạt động buôn bán giao thương của họ đã đạt đến đỉnh cao của sự hưng thịnh.
Từ Aksaray, không khó để tiếp tục tìm những chiếc xe bus (thay vì ngựa hay lạc đà kiểu ngày xưa), tôi tiếp tục đi về phía biển Địa Trung Hải nơi thành phố Antalya tọa lạc. Sớm bị “say nắng” Antalya trong lần đầu tiên đến thành phố xinh đẹp chẳng khác gì Naples, Venice (Italy), Naxos (Hy Lạp) này, ngày của tôi như kéo dài bất tận.
Antalya là đô thị giàu có bậc nhất về lịch sử được Attlus II của vương triều Pergamum xây dựng vào thế kỷ thứ I và lấy tên nguyên thủy là Attaleia. Khi nhà vua Pergamene bị La Mã truất ngôi, hoàng đế Hadrian đến thăm. Nhân dịp đó chiếc cổng Hadrian ra đời năm 130 sau Công nguyên, minh chứng cho sự trường tồn theo thời gian của những công trình cổ đại. Tôi đến Antalya trong một buổi sáng sớm, lang thang dọc theo tòa thành ngàn năm tuổi. Mỗi tháp canh bên ngoài cổng Hadrian đều khác nhau, trong khi tháp bên phải là theo kiến trúc của La Mã thì bên trái lại theo kiến trúc của Sultan Alaaddin Keykubat I (1219 – 1238). Cuộc trùng tu năm 1959 đã khôi phục lại những thức cột Corinthian phía trước cổng, những đầu sư tử oai phong vẫn còn đó nhìn thời cuộc biến đổi sau gần 20 thế kỷ.
Tấm bản đồ chỉ con đường tọa lạc ngôi nhà trọ có vẻ không giống như bên ngoài, tôi bất ngờ vì những lối đi lát đá sạch sẽ sáng bừng trong cái nắng trưa mà không hề oi bức. Làn gió mát từ biển thổi vào như một chiếc máy điều hòa không khí tự nhiên trong lành. Cứ theo con đường nhỏ len lỏi qua những dãy nhà sát biển, tôi tìm đến bến cảng Roma. Tuy đã không còn là bến cảng thương mại từ 1980, nhưng cầu cảng và những con thuyền du lịch được đóng theo kiểu cổ vẫn làm dấy lên cảm giác bồi hồi.
Tôi thư thả ngồi cạnh ngọn hải đăng, uống chai bia Efes thơm mát và ngắm nhìn những con sóng khe khẽ xô vào bờ. Chính nơi thanh bình này, một nhánh của con đường tơ lụa sau khi đi sâu vào đất Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏa xuống phía nam mà Antalya là một trong nhiều đô thị chính trong việc tiếp nhận hàng hóa. Sau khi kết thúc hành trình trên cạn, con đường huyền thoại sẽ không dừng ở đó, đoàn thuyền tiếp tục dương buồm hướng về Hy Lạp, La Mã và các quốc gia khác chở theo những sản vật từ phương Đông. Bạn có thử tưởng tượng chiếc bình gốm hay những dải lụa đã chu du từ đông sang tây ra sao? Riêng tôi, tôi ước mình được một lần trở lại quá khứ để ngắm nhìn những đoàn người, ngựa xe, tàu buôn miệt mài chảy theo dòng lịch sử.
Antalya chiều thu lộng gió như cuốn tâm hồn người lữ khách ra ngoài khơi xa.
Bài và ảnh: Hoài Nam