Trên thế giới, xu hướng "đu idol", cách nói dí dỏm chỉ những người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền bạc, thời gian tham gia vào các buổi diễn mà thần tượng của mình trình diễn, đã khiến concert tourism (du lịch âm nhạc) nở rộ những năm gần đây. Sự kiện Blackpink đến Hà Nội biểu diễn vào cuối tháng 7 đang được kỳ vọng "thổi thêm làn gió mới" vào kinh tế, du lịch Việt Nam.
Các nhà kinh tế học từ đại học West Virginia, Mỹ, thực hiện một nghiên cứu vào năm 2020 và nhận thấy các buổi hòa nhạc là động lực thúc đẩy kinh tế, thu hút không chỉ người trong nước mà còn người ở nước khác đến. Hai buổi hòa nhạc của ban nhạc rock Pearl Jam vào tháng 8/2018 giúp tăng thêm 58 triệu USD doanh thu khách sạn cho thành phố đăng cai sự kiện và 9 triệu USD tiền thuế từ khoản này.
Một số du khách thậm chí còn được hưởng lợi nếu bay sang nước khác xem các buổi trình diễn của thần tượng. Shelby Messing, hâm mộ ca sĩ Mỹ Beyoncé, nói đã tiết kiệm được 1.000 USD khi từ Mỹ đến Tây Ban Nha "đu idol". Chuyến đi hai tuần của cô đến Tây Ban Nha tốn khoảng 2.500-3.000 USD, gồm vé máy bay khứ hồi, chỗ ở, vé xem hòa nhạc của Beyoncé giá 27 USD và một chuyến tham quan đến Mallorca. Nếu xem tại Mỹ, giá vé VIP khoảng 3.800 - 5.000 USD. Vé xem concert tại Tây Ban Nha rẻ hơn vì được Ủy ban Quốc gia về Thị trường và Cạnh tranh (CNMC) hỗ trợ, góp phần mang lại lợi ích cho khách du lịch đến xem hòa nhạc.
Điều tương tự với Triada Cross, người đã bay tới Đức để xem hai buổi diễn của thần tượng Beyoncé. Chi phí cả chuyến đi đến Đức gồm 5 đêm khách sạn, vé khứ hồi, đi lại giữa các thành phố và vé xem ca nhạc hết hơn 3.500 USD, bằng giá vé VIP tại Mỹ.
Theo báo cáo của Future Market Insights, thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu sẽ đạt giá trị 11,3 tỷ USD năm 2032, tăng 5,5 tỷ USD so với năm ngoái. Nhu cầu đi du lịch có mục đích đã làm tăng thị phần du lịch âm nhạc. Sức nóng của ngành này càng được tăng thêm nhờ sự lan toả của các phương tiện truyền thông xã hội.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Bắc Mỹ là khu vực dẫn đầu về du lịch âm nhạc, với sự các lễ hội âm nhạc lớn như Coachella và Lollapalooza. Khách du lịch trung bình chi tối thiểu 300 USD cho việc đi lại và ăn ở tại Mỹ. Ở Châu Á-Thái Bình Dương, thị trường du lịch âm nhạc đang phát triển ở các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Hong Kong, Singapore và Malaysia.
Cuối tháng 6, khi Taylor Swift công bố lịch trình cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour vào năm 2024 và Singapore là điểm đến duy nhất tại châu Á được lựa chọn. Taylor không phải nghệ sĩ đầu tiên hoặc duy nhất ưu ái Singapore. Ban nhạc rock Anh Coldplay khi tổ chức tour vòng quanh thế giới Music of the Spheres cũng đã tăng số đêm diễn tại Singapore lên 6, nhiều hơn những quốc gia khác mà nhóm biểu diễn.
Không có gì bí ẩn khi quốc gia nhỏ bé với chưa đến 6 triệu dân này lại trở thành điểm đến ưa thích tổ chức biểu diễn của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Giáo sư nghiên cứu chiến lược du lịch Singapore Can Seng Ooi tại đại học Tasmania nói rằng chính phủ Singapore đã rất chủ động trong việc tìm kiếm, hợp tác với các nghệ sĩ để đưa họ về biểu diễn. Singapore là một điểm đến. Bản thân sự kiện (đêm hòa nhạc) cũng là một điểm đến. Mọi người đến xem hòa nhạc và sẽ tiêu tiền tại Singapore. "Vé xem hòa nhạc không rẻ. Nhưng những người bay đến Singapore là những người có đủ khả năng", Ooi nói.
Từ những năm 2000, Singapore đã khẳng định vị thế "thủ đô sự kiện, giải trí của châu Á" khi tích cực thu hút các nghệ sĩ quốc tế tổ chức đêm nhạc. Buổi hòa nhạc sắp tới của Taylor Swift là ví dụ khi được các quan chức cao cấp của chính phủ Singapore tuyên truyền, quảng bá. Tổng cục Du lịch Singapore cũng từng hợp tác với ca sĩ Mỹ Charlie Puth và rapper Hong Kong Jackson Wang để quay video quảng bá các điểm đến nổi tiếng của đất nước. Đầu năm nay, buổi diễn của ca sĩ Ấn Độ Anirudh Ravichander đã bán hết 12.000 vé trong hai ngày. Điều tương tự với nhóm nhạc Kpop Twice. Trong số những người mua vé này, rất nhiều khách bay đến từ các quốc gia khác.
IMC Group Asia, một công ty giải trí quản lý các buổi hòa nhạc ở Singapore, nói Singapore là một địa điểm lý tưởng cho các nghệ sĩ biểu diễn vì "cơ sở vật chất như khách sạn, thực phẩm và phương tiện đi lại, tốt". Việc dễ dàng xin giấy phép hoạt động, thị thực là một yếu tố quan trọng khác cần cân nhắc.
Tổ chức phi lợi nhuận về Nghệ thuật, Lễ hội và Sự kiện của Malaysia đã ca ngợi Singapore là "một minh chứng cụ thể cho việc chính phủ và tổ chức tư nhân cùng hợp tác để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và du lịch".
Syed Yahya Othman, quan chức cấp cao của ngành du lịch Malaysia nói rằng các buổi hòa nhạc là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch Malaysia sau nhiều năm ngành giải trí trầm lắng vì dịch bệnh. "Malaysia đang hỗ trợ mọi buổi hòa nhạc được tổ chức tại đây vì các nghệ sĩ sẽ mang theo những người hâm mộ của họ ở khắp thế giới".
Anh Minh (Theo Time, We in Travel)