Ngày 27/11/2024, Quốc hội ban hành Luật Công đoàn 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) và thay thế Luật Công đoàn 2012.
Theo đó, tiếp tục quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Tại doanh nghiệp có thành lập công đoàn cơ sở hay không thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm đóng khoản kinh phí công đoàn này.
Ngoài ra, Luật Công đoàn 2024 đã bổ sung quy định mới về các trường hợp doanh nghiệp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn. Bao gồm:
- Doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật thì được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
- Doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
- Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Việc bổ sung quy định mới nêu trên sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, bảo đảm quy định của Luật Công đoàn 2024 phù hợp với thực tiễn.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM