Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bộ Y tế phối hợp Cục C06 (Bộ Công an), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam nghiên cứu, triển khai tích hợp hai loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID. Khi đó, người bệnh làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy điện tử được tích hợp trên hai ứng dụng trên kèm mã QR.
"Đây là nỗ lực của Bộ Y tế trong chuyển đổi số lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy", bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế, nói, thêm rằng việc triển khai bản điện tử mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị thiết thực.
Cụ thể, giấy điện tử giúp quản lý công tác chuyển tuyến BHYT; tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế. Giấy điện tử có ý nghĩa công khai và hạn chế hành vi gian lận hay giả mạo trong chuyển tuyến bệnh nhân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh.
Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu tại một cơ sở tuyến xã, huyện. Trường hợp chuyển viện điều trị phải có giấy chuyển tuyến (chuyển viện), bệnh nhân mới được thanh toán toàn phần BHYT. Nếu không có giấy chuyển viện, họ phải tự chi trả một phần viện phí. Đến nay, hầu hết bệnh viện dùng giấy chuyển tuyến bằng bản giấy, rất ít viện áp dụng bản điện tử.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 20/11/2023, GS Nguyễn Anh Trí đề nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT. Nguyên nhân là nhiều cử tri phản ánh xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. Giấy chuyển viện trở thành barie (hàng rào) với bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, liên thông kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã trở nên dễ dàng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tỉnh toàn quốc (người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến đăng ký).
Bộ Y tế cũng cho biết áp dụng hình thức giấy chuyển viện điện tử để thuận tiện cho người bệnh, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình.
Lê Nga