Theo Luật Thi hành án hình sự 2019 áp dụng từ 1/1/2020, phạm nhân có những quyền sau:
- Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án.
- Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
- Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
- Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
- Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Phạm nhân chưa biết chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ. Phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá một giờ.Trại giam căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án để quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá ba giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Ai vi phạm nội quy chỉ hai tháng được gặp thân nhân một lần, mỗi lần không quá một giờ.
Một góc buồng giam ở trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang). Ảnh: Phạm Dự. |
Luật quy định những phạm nhân sau được bố trí giam giữ riêng:
- Phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính có thể được giam giữ riêng.
- Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam.
- Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy
- Phạm nhân nữ.
- Phạm nhân dưới 18 tuổi.
- Phạm nhân người nước ngoài.
- Phạm nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án.
Căn cứ tính chất của tội phạm, mức hình phạt, đặc điểm nhân thân của phạm nhân, kết quả chấp hành án, giám thị quyết định việc phân loại, chuyển khu giam giữ.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Theo khoản 4 điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng).