Thông tin nêu tại lễ ký kết hợp tác diễn ra ngày 26/3 ở Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lawrence Wong và Phu nhân theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đại diện hai bên ký kết hợp tác. Ảnh: TTC AgriS
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ thành lập Trung tâm R&D tại Singapore, dự kiến đi vào vận hành vào cuối tháng 6. Tại đây, các chuyên sẽ nghiên cứu giải pháp để tối đa hóa, nâng cao, tận dụng toàn bộ chuỗi giá trị cây trồng như: lên men protein để nâng cao giá trị dinh dưỡng, ứng dụng công nghệ tiệt trùng áp suất cao (HPP). Chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT, nhằm kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn giữ được hương vị, dưỡng chất...
Đồng thời, trung tâm cũng tìm kiếm các công thức dinh dưỡng có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng toàn cầu. TTC AgriS cho biết, trung tâm này đóng vai trò nghiên cứu, phát triển sản phẩm giúp đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác tiềm năng trong lĩnh vực Agtech và FoodTech.
Tại sự kiện, bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch TTC AgriS nhấn mạnh vai trò của đổi mới công nghệ, nhân lực chất lượng cao và khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong việc kiến tạo giá trị bền vững. Theo bà, hợp tác chiến lược với Singapore giúp nâng cao năng lực nội tại, mở rộng khả năng kết nối doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Đặng Huỳnh Ức My (thứ ba từ phải qua) và Giáo sư William Chen Wei Ning - Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm Đổi mới Nông nghiệp - Thực phẩm Singapore (SAIL), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) (thứ hai từ phải qua) cùng đại diện ba bên tại sự kiện ký kết. Ảnh: TTC AgriS
Chủ tịch TTC AgriS cho biết thêm, trong bối cảnh nền nông nghiệp toàn cầu bước vào kỷ nguyên số, doanh nghiệp chủ động đón đầu xu hướng, tạo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Từ đây, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bám sát định hướng về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, tập trung vào phát triển hoạt động sản xuất, thương mại, tài chính xanh, đặt nền móng cho hệ sinh thái toàn diện.
Bước đi quan trọng trong hợp tác song phương với Singapore là việc hợp tác chiến lược với OFI (Olam Food Ingredients), tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nguyên liệu nông sản. Mối hợp tác này giúp TTC AgriS mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực như châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng của các cây công nghiệp chiến lược như dừa.
Hệ sinh thái nông nghiệp mà TTC AgriS đang xây dựng gồm ba trung tâm chuyên biệt giúp kiểm soát chất lượng xuyên suốt và gia tăng hiệu quả vận hành. Trung tâm Nông nghiệp (Agriculture Center) cung cấp giải pháp kỹ thuật và công nghệ canh tác hiện đại nhằm nâng cao năng suất từ khâu đầu vào. Trung tâm Sản xuất (Production Center) đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế trong chế biến và kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, Trung tâm Thương mại (Commercial Center) giữ vai trò kết nối thị trường, tối ưu chuỗi logistics và phân phối.

Buổi ký kết hợp tác với Olam Food Ingredients. Ảnh: TTC AgriS
Bên cạnh phát triển thị trường nội địa, công ty còn mở rộng mạng lưới R&D ra quốc tế. Trong đó, Australia sẽ là trung tâm nghiên cứu nông học chuyên sâu, Singapore giữ vai trò đầu mối thương mại và phát triển sản phẩm, còn Việt Nam tập trung vào nghiên cứu sản xuất và hoàn thiện quy trình công nghệ. Doanh nghiệp cho biết, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn giúp TTC AgriS kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điều này, giúp đơn vị gia tăng hiệu suất vận hành, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Để hoàn thiện vòng tuần hoàn khép kín trong hệ sinh thái nông nghiệp tiên tiến, công ty còn tập trung vào tài chính xanh, đảm bảo phát triển bền vững. TTC AgriS đang mở rộng hợp tác với các định chế tài chính hàng đầu tại Singapore nhằm tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các dự án hạ tầng nông nghiệp hiện đại, Từ đó, đơn vị dễ dàng mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến. Việc kết hợp giữa tài chính xanh và công nghệ cao giúp gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và tạo giá trị kinh tế dài hạn.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu, TTC AgriS cũng tập trung vào các chương trình đào tạo nông dân, thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp thông minh nâng cao hiệu suất sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2035 thông qua các sáng kiến như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo và cải tiến quy trình sản xuất xanh.
(Nguồn: TTC AgriS)