TSMC cho biết thêm, mức này tương đương tăng 30% so với mức trước đại dịch, tức vào năm 2019. Để làm được điều đó, công ty đang phải phân bổ lại nguồn lực sản xuất chip phục vụ cho các ngành khác, vốn cũng đang có "nhu cầu cao một cách căng thẳng do sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số".
Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chuỗi cung ứng ôtô để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay. Theo công ty, hiện đại hóa phương pháp quản lý chuỗi cung ứng "Just-in-Time" và tăng khả năng nắm bắt nhu cầu sẽ là con đường để tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu, bắt đầu từ năm ngoái, đã khiến một số dây chuyền sản xuất ôtô phải đóng cửa và cũng đang ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử tiêu dùng. TSMC đã nhiều lần trấn an rằng họ đang cố gắng hết sức để giải quyết tình trạng thiếu hụt và tăng cường sản xuất.
Hôm 18/5, Toyota đã trở thành nhà sản xuất ôtô mới nhất buộc phải cắt giảm sản lượng trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu, với thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động tại hai nhà máy ở Nhật Bản. Các hãng như Ford, General Motors và Jaguar Land Rover cũng đã phải dừng hoạt động một vài địa điểm trước đó vì lý do tương tự.
Hôm 20/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết đã tổ chức các cuộc họp với 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao về tình trạng thiếu chip và nói rằng Mỹ có thể giúp tăng cường tính minh bạch trên thị trường. Cuộc họp bao gồm General Motors, Ford Motor, Stellantis, các nhà cung cấp chip và những đơn vị sử dụng chip khác.
Phiên An (theo CNBC)