Trong 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra, một phương án quá nhiều môn, còn một chưa rõ tuyển vào đại học (ĐH) sẽ như thế nào… Theo tôi, không nhất thiết phải chọn quá nhiều môn mà chỉ cần chọn các môn học ở phổ thông để kiểm tra kiến thức; nếu các trò đạt thì đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp.
Chọn 11-12 môn thi là không cần thiết và làm nặng nề thêm kỳ thi; lại thi đến ba ngày là quá dài mà chỉ nên thi tối đa 2 ngày. Trong các môn đã chọn thi, chỉ cần ra một phần tích hợp để chọn vào học trường ĐH. Bộ GD&ĐT có nhiều chuyên gia, đều “nằm” lâu trong các trường ĐH mà ra; vì vậy, cần thảo luận chi tiết và thảo một đề cương, đưa ra để các chuyên gia thảo luận; cũng chỉ nên chọn ra 1-2 phương án, không nên đưa ra quá nhiều phương án.
Ai tổ chức thi?
Trách nhiệm này nên thuộc về các giám đốc sở GD&ĐT vì đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa phải thi vào ĐH. Vì vậy, kỳ thi này nên để địa phương thực hiện dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT; trường ĐH không nên nhúng tay vào quá sâu. Sau này, ở khâu tuyển chọn, Bộ có thể cho phép các trường kiểm tra thêm.
Ví dụ, một thí sinh có thể có điểm tốt nghiệp rất cao nhưng nếu một trường ĐH nào đó vẫn chưa thấy đáp ứng được tiêu chí của họ thì vẫn có thể phải qua một cuộc phỏng vấn hoặc kiểm tra thêm 1-2 môn nào đó. Tuy nhiên, mọi việc phải cần được thí điểm trước khi thực hiện trên toàn quốc vào năm 2016. Giáo dục đã thí điểm trên học trò nhiều lần rồi, cần hết sức thận trọng.
Vẫn phải có điểm sàn
Ông Vũ Văn Hóa. |
Phải có mức điểm quy định để các trường ĐH tuyển sinh; ví dụ, các trường tốp trên lấy điểm của 2-3 môn nào đó là 15 điểm; trường tốp dưới 9-10 điểm và cái khó là phải sắp xếp các môn thi quét được lượng kiến thức phổ thông và có kiến thức nâng cao để các trường tuyển chọn.
Khó nữa là quy định bao nhiêu môn thi thì vừa, ví dụ 6-7 môn thì cần có 3 môn dành cho các ĐH tuyển chọn thích hợp theo khối A, B, C, D. Sau đó, các trường căn cứ điểm thi quy định, cộng với điểm ưu tiên cho các đối tượng theo quy định hiện hành và quyết định điểm tuyển chọn.
Đây là một kỳ thi rất khó, trường làm nghiêm thì điểm đúng; trường làm không nghiêm thì điểm khác; thậm chí, có trường tổ chức giải bài giúp thí sinh như đã từng xảy ra (dù là hy hữu) thì kết quả phản ánh không trung thực. Câu hỏi được đặt ra là kiểm soát thế nào?
Theo tôi, nếu giáo dục phổ thông đảm đương được thì tốt; nếu không, các trường ĐH, CĐ sẽ tham gia cùng để đảm bảo sự công bằng. Vì chủ chốt là giáo dục phổ thông tại địa phương thực hiện kỳ thi nên các trường tham gia đến mức độ nào thì Bộ GD&ĐT xem xét và điều động.
Nếu tin tưởng hoàn toàn thì cũng có thể giao cho địa phương. Nếu các trường ĐH tham gia quá sâu thì coi như làm thay và vô cùng tốn kém, có thể còn tốn kém hơn kỳ thi tuyển sinh hiện nay.
Tôi nhớ, một năm chúng tôi tham gia làm thi ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương với 400-500 cán bộ đi về các huyện, các trường phổ thông; ăn ở, đi lại, thi trong 2 ngày, chi tiêu mất 4 ngày, chi phí không nhỏ, tốn kém gần bằng một kỳ thi tổ chức tại trường hiện nay.
Tin tưởng địa phương nhưng… không dám chắc
Tôi tin tưởng ở địa phương, nhưng không dám chắc địa phương nào làm tốt địa phương nào làm không tốt. Đặc biệt, không để địa phương chấm thi. Nhiều người trong chúng ta đều chưa quên bài học tuyển thẳng ngày trước, khi học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi được vào thẳng ĐH.
Khi đó, hàng nghìn thí sinh vào thẳng; hết năm thứ nhất, kiểm tra thì chỉ 15-20 % trong số đó là học sinh khá giỏi đích thực, 80% thuộc diện được “cấy điểm” để đủ điều kiện tuyển thẳng.
Theo tôi, thực ra tốt nghiệp THPT và điểm tuyển chọn chỉ là điểm khởi đầu. Điều quan trọng để trở thành người tài năng, nhân viên mẫn cán thuộc về quá trình đào tạo. Nếu điểm thi tốt mà đào tạo không tốt thì nguồn nhân lực cũng không thể đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Theo Tiền Phong