Đầu năm học mới, cả thầy cô và phụ huynh đều bàn luận sôi nổi về mô hình trường học mới VNEN. Có người khen, người chê khiến người đọc không biết tin vào đâu. Với tư cách là người trong nghề, tôi có mấy lời nhận xét như sau.
Trường học VNEN được thiết kế với hình thức tổ chức dạy học chủ đạo là hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân. Học sinh có nhiều cơ hội giao tiếp với nhau, chia sẻ và học hỏi. Chính vì vậy, một điều không thể phủ nhận được là học sinh học theo VNEN có khả năng giao tiếp tự tin hơn hẳn học sinh mô hình cũ. Các cháu mạnh dạn, tự chủ trong lớp học, trong các mối quan hệ và đặc biệt tự tin. Đây chính là thành quả lớn đầu tiên đáng ghi nhận từ mô hình này.
TS Vũ Thu Hương. |
Trường học VNEN được thiết kế gắn với cuộc sống và lao động sản xuất. Tại một số tỉnh thành, trường học VNEN đã xây dựng theo các mô hình thiết thực như trường học sinh thái, trường học nông nghiệp, trường học du lịch. Đây là cách dạy trẻ tốt nhất về nghề nghiệp địa phương. Học xong tiểu học, các cháu có thể hiểu biết rõ nét về ngành nghề. Những cháu không có điều kiện học cao hơn cấp phổ thông sau này trưởng thành đã có kinh nghiệm nghề và chắc chắn sẽ dễ dàng kiếm được công việc cho cuộc sống tương lai.
Bên cạnh đó, trường học mới chú trọng gắn giáo dục văn hóa dân tộc trong bài học. Với thực trạng học sinh Việt Nam đang bị hao hụt dần vốn văn hóa này thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Có lẽ đây cũng là một ưu điểm vô cùng nhân văn mà VNEN đem lại cho trẻ.
Với mô hình này, sách được thiết kế giảm nhẹ rất nhiều kiến thức trùng lặp, hàn lâm cho học sinh. Các cháu được tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sống và nếp sống văn minh, đạo đức. Tôi đến một số trường dạy theo mô hình VNEN thấy các cháu lễ phép và chủ động hơn nhiều các trường dạy theo mô hình truyền thống. Với những lớp học này, vấn đề thiếu hụt kỹ năng sống trong thế hệ trẻ đang từng bước được tháo gỡ và giải quyết.
Phụ huynh cùng với giáo viên sẽ tham gia vào việc giảng dạy cho học sinh. Chính vì vậy, những ông bố, bà mẹ có con học VNEN cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giáo dục con cái. Phụ huynh hiểu biết hơn, nghiêm túc và nhiệt tình hơn trong các công việc trường lớp. Vô hình chung, các cháu sẽ nhận được nhiều hơn sự chăm sóc và quan tâm từ gia đình. Từ đó, các phụ huynh có thể đồng hành cùng con trong từng bước đến lớp.
Trường học VNEN không thể phù hợp trong lớp học quá đông học sinh. Đây chính là áp lực khiến cho các giám đốc Sở Giáo dục, các trưởng phó phòng, các hiệu trưởng phải tìm cách giải quyết thấu đáo. Hiện trạng một giáo viên phụ trách 60 học sinh sẽ không thể có trong VNEN.
Với bộ môn đòi hỏi trình độ tư duy cao như Toán, vì yêu cầu không được giảng bài cả lớp, giáo viên bắt buộc phải đi xuống từng nhóm, giảng kỹ cho từng nhóm nếu các em gặp khó khăn. Vì thế, học sinh có cơ hội hiểu bài hơn nhiều.
Như vậy, điều quan trọng khi thực hiện mô hình trường học mới là giáo viên phải nhận thức rõ được những điểm khác biệt với mô hình trường học truyền thống, phải có đầy đủ năng lực và phương pháp giảng dạy hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục còn nhiều khó khăn, có không ít giáo viên chưa hiểu, cảm thông và gắng sức cùng toàn ngành.
Tôi cho rằng, không thể có mô hình hoàn hảo, mô hình vẫn sẽ có những bất cập. Có làm có sai, nhưng nếu sai rồi sửa thì mọi việc sẽ dần đi vào quỹ đạo. Còn nếu không làm gì, chắc chắn chúng ta sẽ mãi mãi dẫm chân tại chỗ với những khiếm khuyết sẵn có.
TS Vũ Thu Hương
ĐH Sư phạm Hà Nội