Chuyên gia giáo dục Ernest Wong là nhà huấn luyện và người tiên phong trong khoa học Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP), top 100 những nhà đào tạo được cấp chứng nhận trên thế giới trong lĩnh vực học tập siêu tốc. Với 36 năm kinh nghiệm trong việc tổ chức những khóa học đặc biệt dành cho các trẻ em, Ernest Wong đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tại Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thượng Hải, Bắc Kinh, Indonesia và Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, Ernest Wong tin rằng mình có thể đóng góp nhiều hơn để tạo ra sự thay đổi lên thế hệ tương lai.
- Trong số rất nhiều quốc gia châu Á, tại sao ông lại chọn Việt Nam là một trong những điểm đến trong sự nghiệp giáo dục của mình?
- Đầu tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo đã luôn quan tâm và dành tình yêu thương cho các em học sinh. Và cũng cảm ơn các em học sinh Việt Nam rất nhiều. Mặc dù không phải một giáo viên Việt Nam, nhưng trong ngày 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam tôi vẫn nhận được nhiều lời chúc mừng của các em học sinh. Hành động của họ khiến tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể bỏ qua sứ mệnh mà người thầy mang trên vai khi họ chọn bắt tay vào sự nghiệp giảng dạy, đó chính là tâm huyết và tình yêu đối với con trẻ.
Đối với nhiều người làm nghề giáo, dạy học không phải là một công việc, đó là niềm đam mê, là điều đặc biệt mà họ sống cùng với nó. Nhà giáo Việt Nam là những người xây dựng các thế hệ tương lai, họ không chỉ chia sẻ kiến thức và phát triển kỹ năng cho trẻ mà còn hình thành các tính cách của trẻ. Điều này có ảnh hưởng suốt đời đối với một người.
- Ông nhận thấy hệ thống giáo dục ở Việt Nam đã có những sự thay đổi ra sao trong vài năm qua?
- Tôi đã dạy học được 35 năm nay, đã từng giảng dạy cho các thế hệ học sinh, sinh viên ở Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thượng Hải, Bắc Kinh, Indonesia và Việt Nam. Tôi đã thấy những thay đổi trong hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi thay đổi đều ảnh hưởng đến một thế hệ học sinh, những người trẻ và tương lai của một đất nước.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi rất nhanh về nhiều mặt, đặc biệt là chuyển đổi về công nghệ, kinh tế và xã hội. Hệ thống giáo dục và các cấp lãnh đạo chắc chắn đóng một phần rất quan trọng trong công cuộc đổi mới này.
Thế hệ của tôi lớn lên và chỉ biết về Việt Nam qua hình ảnh của những cuộc chiến tranh nhiều đau thương, mất mát. Nhưng khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam năm 2014, tôi cảm thấy ở quốc gia của các bạn có một sự lôi cuốn mãnh liệt. Với tôi, bằng trải nghiệm của một nhà giáo làm việc ở nhiều quốc gia được coi là "con hổ" châu Á trong 35 năm, Việt Nam hôm nay là môi trường làm việc mà tôi mơ ước.
Những năm kinh nghiệm của tôi trong hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia khác nhau có thể đóng góp một phần vào việc giúp Việt Nam phát triển vốn con người. Tôi thấy triết lý giáo dục và bộ kỹ năng của mình phù hợp với nhu cầu của đất nước. Tôi muốn đóng góp phần công sức của mình trong giáo dục và giúp Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.
Khi tôi làm việc với những người trẻ, tôi luôn nghĩ rằng mình đang làm việc với tương lai của một đất nước. Như tôi đã nói, trong cuộc đời của một con người, chúng ta không có nhiều cơ hội làm việc với một đất nước vào đúng thời điểm phát triển và chuyển đổi nhanh chóng. Và tôi thấy ở Việt Nam đang có thứ mà tôi muốn cống hiến.
- Là một giáo viên đến từ nước ngoài, ông nhận xét thế nào về học sinh Việt Nam?
- Học sinh Việt Nam có nhiều đặc điểm riêng. Họ ham học hỏi, muốn phát triển, sáng tạo, đổi mới và tư duy vượt trội. Như tôi đã nói, họ thừa hưởng tinh thần chiến đầu như thế hệ đi trước.
Nếu bạn chịu giành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu họ, bạn sẽ thấy họ rất muốn học hỏi từ phương Tây nhưng vẫn giữ được những nét đẹp trong cách ứng xử khi luôn tôn trọng người lớn tuổi, lịch sự, cạnh tranh, phấn đấu xuất sắc và có phẩm chất tốt.
Một ví dụ điển hình khiến tôi rất bất ngờ là khi giảng dạy, tôi vẫn thấy học sinh Việt Nam dùng cả hai tay để thể hiện sự lễ phép khi đưa đồ cho giáo viên. Trong thời đại công nghệ ứng xử xã hội tốt là một điểm cộng cho các bạn.
- Ông đánh giá thế nào về các phương pháp giáo dục ở Việt Nam?
Nhìn chung, cách tiếp cận của Việt Nam là đúng hướng. Hà Nội và TP HCM là hai thành phố mà tôi thấy rằng nhiều cách tiếp cận đang được áp dụng. Nói cách khác, chúng tôi đã áp dụng các phương pháp tiếp cận từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau với một mục đích là phấn đấu cho sự xuất sắc.
Phương pháp tiếp cận giáo dục của Việt Nam thể hiện bằng việc chúng tôi nắm bắt sự đa dạng cho phép học sinh có thế giới quan, điều này rất tốt trong việc chuẩn bị cho học sinh vươn ra thế giới.
- Theo ông đâu là bí quyết giúp học sinh phát triển toàn diện và thành công?
- Có rất nhiều cách để đạt được thành công trong cuộc sống của một người. Đối với học sinh, tôi muốn chia sẻ các bước để khám phá số phận của một người.
Thứ nhất là khám phá tài năng bẩm sinh.
Thứ hai, cung cấp môi trường để nuôi dưỡng những tài năng bẩm sinh đó và thực hành có chủ đích để rèn giũa các kỹ năng đến mức phi thường.
Thứ ba, tiếp tục phát triển các kỹ năng đó có thể được áp dụng cho các ngành khác nhau và làm như vậy bằng cách chọn các khóa học phù hợp trong trường cao đẳng và đại học.
Thứ tư, phát triển điều đó thành một sự nghiệp mà bạn sẽ hạnh phúc và thích làm công việc mỗi giây phút mà bạn có mặt. Đó là khám phá đam mê của bạn.
Thứ năm, phát triển kỹ năng và kiến thức chuyên môn của bạn thành một công việc kinh doanh có thể mang lại cho bạn thu nhập thụ động để hỗ trợ lối sống mong muốn của bạn.
Cuối cùng là đặt mục tiêu có được hạnh phúc, khỏe mạnh và giàu có.
(Nguồn: Ernest Wong)