Chiều 6/5, tại tọa đàm về Giáo dục tư thục diễn ra ở Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM), TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân, dẫn câu chuyện nhiều trường tư ở khối phổ thông Hà Nội đang "khóc dở mếu dở" khi xin chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh. Đây được cho là biểu hiện nghịch lý trong việc phát triển trường tư thục ở Việt Nam.
"Trường mở ra đáp ứng đủ cơ sở vật chất, tuyển thầy giáo đầy đủ nhưng chỉ tiêu thì cơ quan quản lý chỉ cho một con số nhất định, không được thêm. Nguồn lực tư ở Việt Nam đang bị ngược đãi hơn ở nước ngoài rất nhiều. Muốn phát triển giáo dục tư thục phải gỡ bỏ hoàn toàn sự phân biệt đó", ông Minh nói.
Nếu ví công và tư là hai cánh chim của giáo dục Việt Nam thì tỷ lệ đóng góp hai bên khá chênh lệch: công 84% và tư 16%. Ông Minh cho rằng cần có định hướng, cơ chế cho giáo dục tư thục phát triển hơn để đôi cánh này trở nên hài hòa hơn.
Ở góc nhìn khác, PGS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng Đại học Văn Lang, liên hệ phát triển giáo dục tư thục với phát triển kinh tế tư nhân. Hiện, kinh tế tư nhân được đánh giá là động lực phát triển của nền kinh tế, tạo ra 70% số lượng công việc cho xã hội. Với giáo dục, nếu không có khối tư thục, hàng trăm nghìn thanh niên không có cơ hội tiếp cận bậc đại học.
"Đại học tư thục còn là kênh huy động nguồn lực ngoài nhà nước, tránh lãng phí. Không có tư thục cũng không tạo ra động lực cạnh tranh với các khối trường công. Nhưng tại sao phát triển giáo dục tư thục vẫn chưa như kỳ vọng, phải chăng xã hội vẫn còn nặng nề quan niệm công - tư?", ông Áng nói.
Đề nghị đặt yếu tố chất lượng khi nói đến sự công bằng giữa giáo dục tư thục và công lập, PGS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, chính sách đặc thù của nhà nước cho giáo dục cũng cần mở ra để cả hai bên đều được tham gia nếu đủ tiêu chuẩn.
Liên hệ với các nước tiên tiến, ông Phong cho biết mô hình tam giác có ba đỉnh đại học – công nghiệp - chính phủ sẽ đảm bảo sự hài hòa cho giáo dục đại học. "Tư thục, bản thân họ có hai đỉnh đại học và công nghiệp, nếu ở đỉnh thứ ba có luật lệ tốt thì giáo dục tư thục phát triển mạnh", ông nói.
Nhiều đại biểu khác cũng thống nhất, nếu được đối xử công bằng thì giáo dục tư sẽ phát triển nhanh, thậm chí hơn khối công lập. Bởi trường tư được quyền tự chủ nhiều hơn trong việc trả lương cho giảng viên, thu học phí và đề cao vai trò với cộng đồng xã hội.
Đánh giá vai trò quan trọng của giáo dục tư thục, song ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) nhìn nhận "trường tư thục ít mà không ít". Nhiều đại học tư thục vẫn không tuyển sinh được hoặc có những việc làm không chuẩn mực.
Ông Bình cho biết hành lang pháp lý đang được chuẩn bị vững chắc cho giáo dục tư thục phát triển trong 10 năm tới. Các trường tư thục sẽ cạnh tranh trên thước đo chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Ông thông tin thêm, Luật Giáo dục sửa đổi đang đi trên 3 quan điểm lớn là: mở, năng lực người học và tự chủ của cơ sở giáo dục. Trong đó, vấn đề tự chủ ở ba khía cạnh học thuật, tổ chức và tài chính.