Chiều muộn một ngày tháng năm, Rơ Lan Hieo, 65 tuổi, trở về nhà sau một tuần ở trên nương rẫy. Ngồi ở hiên căn nhà sàn gỗ mới của mình, Rơ Lan Hieo - phụ tá của vua Lửa thứ 14, mắt hướng ra khu di tích, bảo hai tuần trước ông cùng mọi người làm lễ cầu mưa cho nguời dân địa phương, song vì dịch bệnh nên nghi lễ chỉ được thực hiện đơn giản.
Plei Ơi - ngôi làng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, nơi cư trú của những vị Pơtao Apui cuối cùng. Khu di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi rộng một ha nằm bên quốc lộ 25, dưới chân đập Ayun Hạ, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện.
Bên cạnh ngọn "núi thiêng" là 4 căn nhà sàn bằng bêtông đang lưu giữ "gươm thần", hình ảnh, vật dụng của 14 đời Pơtao Apui - đó là những bằng chứng về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng kéo dài hàng thế kỷ của đồng đào Jarai ở cao nguyên.
Rơ Lan Hieo khuôn mặt gầy, đen khắc khổ, thỉnh thoảng ông đưa bàn tay chai sần vuốt vuốt bộ áo quần truyền thống - trang phục ông mặc làm lễ cầu mưa hàng chục năm qua, tỏ vẻ tiếc nuối quá khứ.
Ngược dòng lịch sử, Rơ Lan Hieo kể, trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, các tộc người ở Tây Nguyên buộc lùi sâu vào những vùng hẻo lánh bởi các cuộc xung đột triền miên, nên họ biết đến kỹ nghệ rèn đúc kim loại khá muộn màng.
Với tính ngưỡng nguyên thủy "vạn vật hữu linh" - "thần Đá, thần Núi, thần Sông...", khi nghề rèn xuất hiện, người Jarai đã gắn cho công cụ mới những yếu tố thần linh. Lúc ấy, "gươm thần" xuất hiện, các dân tộc vùng cao nguyên tin rằng, nhờ có sức mạnh của thần gươm, ai có được trong tay thanh gươm ấy đều có nhiều khả năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng chuyển hạn thành mưa, cái mà những cư dân nông nghiệp mơ ước.
Để có người xứng đáng gìn giữ gươm thần, khoảng thế kỷ XV hiện tượng Pơtap Apui xuất hiện. Người đầu tiên được người Jarai tín nhiệm trao thanh gươm quý là Ksor Chlơi. Nhưng ông ta kiên quyết từ chối vì nhà nghèo, không thể kiêng cữ trong ăn uống (không được ăn thịt bò, ếch nhái...) để không làm ô uế thanh gươm.
Những người tín nhiệm ông cảm thấy bị xúc phạm nên đã tìm cách đánh ông. Vì không muốn người ngoài dòng họ hành hạ ông nên những người trong dòng họ Ksor đã giết Ksor Chloi.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, đến những thế kỷ gần đây, dòng họ Siu nắm giữ ngôi vị Pơtao Apui chịu trách nhiệm gìn giữ thanh gươm thần. Siu Nhong, vua Lửa đời thứ 6 được xem là người đặt nền móng cho sự hình thành vùng lãnh thổ của Pơtap Apui. Theo truyền thuyết, khi được cử làm vua Lửa, Siu Nhong từ chối, người dân vận động ông suốt 7 ngày 7 đêm.
Họ nói: "Nhong ơi, nếu ông không chịu giữ thanh gươm, chắc là cả vùng mình chết. Bây giờ trời đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng và cử ông làm Pơtao".
Nghe lời dân làng, Siu Nhong đánh 7 lần vào nước, 7 ngày, 7 đêm sau mây đen ùn ùn kéo đến che kín cả bầu trời. Từ đó ông chính thức được gọi Pơtao Apui, thay mặt dân làng thưa chuyện với thần linh.
Từ khi Siu Nhong mất, 8 người dòng họ lần lượt lên kế vị. Siu Luynh - vua Lửa thứ 14 được nhắc đến gần như đầy đủ, tuy chưa được làm lễ nhận gươm. Qua lời kể của ông Rơ Lan Hieo, người nhiều năm theo giúp việc cho Pơtao Apui, Siu Luynh có cuộc sống khá chật vật, hàng ngày lên nương rẫy cùng vợ.
Căn nhà sàn ủa ông dài 14 m, rộng 3,5 m, phiên liếp bao quanh đan bằng lồ ô. Gia tài quý nhất là một cối gỗ, một cái chiêng, một cái trống và một cái rương gỗ lớn đựng đồ tế lễ. Năm 1999 Siu Luynh qua đời tại làng Plei Ơi, từ đó đến nay ngôi vị ấy vẫn còn để trống.
Ông Rơ Lan Hieo chưa trải qua nghi lễ phong vương nhưng với cộng đồng Jrai ở Plei Ơi, ông đã là thế thân của vua Lửa. Cứ đến cuối tháng 4 hàng năm, ông Rơ Lan Hieo cùng 6 người giúp việc thực hiện nghi lễ gọi mưa tưới mát ruộng rẫy.
Lễ cầu mưa được thực hiện bên cửa hông phía mặt trời mọc trong nhà của Pơtao Apui. Lễ vật gồm: một ghè rượu, sáp mật ong, gạo, thịt... để mời thần Sông, thần Đá, thần Núi. Cuối cùng ông Hieo cầu xin các thần linh mang mưa đến cho người dân trong vùng. Thỉnh thoảng ông Hieo đi Kon Tum, đi An Khê, đi Phú Yên, Đăk Lăk cầu mưa cho bà con vùng khô hạn. "Có lần mới cúng xong là mưa xối xả. Ai cũng mừng", ông Hieo nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết, lịch sử phát triển ở vùng cao nguyên với những biển động lớn, đặc biệt sau khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ phục vụ nước tưới quanh năm cho hơn 13.000 ha ruộng, người dân không còn lệ thuộc vào yếu tố tự nhiên nên vai trò cúng tế cầu mưa dần tan rã.
Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009, chính quyền cho xây Khu di tích Plei Ơi nhằm lưu giữ bằng chứng lịch sử, văn hóa của vùng đất, tộc người ở Tây Nguyên.
Trần Hoá