Ngày 4 và 5/10, các tờ báo lớn của Pháp như Libération, L'Humanité, Le Parisien... đăng tải hàng loạt những bài viết bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân trọng và ca ngợi tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Báo Libération (Giải phóng) dẫn lại những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trả lời báo chí nước ngoài: "Khi tôi còn trẻ, tôi mơ ước một ngày được thấy đất nước tự do và thống nhất". Sau đó trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Mỹ PBS, với tư cách là người lãnh đạo cuối cùng của một giai đoạn lịch sử Việt Nam còn sống, Đại tướng nói: "Ngày hôm đó, giấc mơ của tôi trở thành hiện thực. Nó giống như việc lật mở một chương mới trong lịch sử".
Tướng Giáp trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng cao nhất của Việt Nam hiện đại, chỉ sau người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ báo viết.
Bài báo cũng trích dẫn đánh giá của Carl Thayer, một nhà nghiên cứu Australia: "Đó là một huyền thoại và anh hùng xuất chúng của Việt Nam", cùng nhận xét của nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay: "Đằng sau mỗi chiến thắng, người ta luôn tìm thấy ở Đại tướng nguồn sức mạnh và động lực".
Báo L'Humanité (Nhân đạo) đăng bài viết với tựa đề "Tướng Giáp, nhà chiến lược cho tự do, từ trần". Bài viết mô tả Đại tướng là người niềm nở, nói tiếng Pháp rất giỏi, luôn nhìn thẳng vào người đối diện và có cái bắt tay thật chặt, ông như "một ngọn núi lửa phủ tuyết" và là người của khát vọng cháy bỏng.
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng của nền độc lập Việt Nam và là kiến trúc sư vĩ đại trong thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Ông là một huyền thoại sống, một chiến lược gia xuất sắc kết thúc cuộc chiến tranh của thực dân Pháp năm 1954", bài báo ca ngợi.
"Năm 1975, ông tiếp tục chỉ huy đập tan quân đội 'bù nhìn' miền Nam Việt Nam, buộc đế quốc Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, thống nhất đất nước. Các bạn bè chiến hữu đều công nhận ông là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài năng nhất, nhà chiến lược thiên tài của chiến tranh nhân dân".
Tác giả bài báo kể lại câu chuyện có một sĩ quan Pháp chế giễu tướng Giáp chưa bao giờ học ở trường quân sự. Đại tướng đã nói: "Người Pháp và người Mỹ luôn luôn đánh giá thấp đối thủ của họ, coi thường khả năng sáng tạo, sức mạnh và niềm tin của một dân tộc đang đứng lên giành độc lập, tự do. Castries và Navarre là những sĩ quan rất giỏi, nhưng họ lại phục vụ cho mục đích xấu. Người dân Pháp đã đúng khi ủng hộ chúng tôi".
Trong bài báo, tác giả còn kể về những tâm sự của Đại tướng trong trận Điện Biên Phủ. Tướng Giáp thuật lại kế hoạch của quân đội Pháp khi xây dựng cứ điểm giáp biên giới Việt – Lào nhằm thu hút quân đội Việt Minh tới lòng chảo Điện Biên để tiêu diệt. Ông cũng nhớ lại những giây phút khó khăn nhất trong sự nghiệp tổng tư lệnh của mình khi quyết định thay đổi chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc" để giành chiến thắng quyết định tại Điện Biên Phủ.
Đồng thời, tác giả nhắc lại câu trả lời khiêm tốn và dung dị của ông với báo chí nước ngoài khi được hỏi về nguyên nhân của chiến thắng: "Chiến lược của tôi là chiến lược của hòa bình. Tôi là vị tướng của hòa bình chứ không phải vị tướng của chiến tranh".
Bài báo cũng ca ngợi Đại tướng là một thiên tài về khâu tổ chức hậu phương với việc xây dựng con đường mòn Trường Sơn huyền thoại. Tác giả khép lại bài viết với lời khẳng định của Đại tướng: "Trong lịch sử của Việt Nam, mỗi khi chúng tôi tự quyết định một chính sách độc lập và sáng tạo, chúng tôi đều giành thắng lợi".
"Việt Nam: Tướng Giáp – người 'đào mồ' chôn quân đội Pháp, qua đời" là tựa đề của bài viết trên báo Le Parisien (Người Paris). Bài báo đã cập nhật thông tin Đại tướng qua đời từ báo điện tử VnExpress của Việt Nam và qua tin tức từ một quan chức chính phủ.
Bài viết ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự thiên tài trong Lịch sử Việt Nam, với từ Lịch sử được viết hoa, và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của đất nước. Sự ra đi của một anh hùng như ông khiến nhiều người dân xúc động và tạo nên làn sóng đau buồn tràn ngập trên các mạng xã hội mặc dù Đại tướng đã rút lui khỏi nền chính trị hơn ba mươi năm qua, bài báo cho hay.
"Đại tướng là một trong những nhà chiến lược quân sự lỗi lạc nhất của lịch sử. Ông đã sử dụng thành công những chiến thuật tự học của mình để đánh bại cả Pháp và Mỹ. Năm 1954, ông đã biến Điện Biên Phủ (phía Tây Bắc Việt Nam) trở thành một thất bại và ám ảnh nặng nề cho quân đội Pháp. Đại tướng cũng là người góp phần giúp Việt Nam giành độc lập và chấm dứt chế độ Pháp ở Đông Dương".
Bài báo khẳng định: "Tên tuổi và ảnh hưởng của ông đã vượt qua biên giới của lãnh thổ Việt Nam, tạo nguồn cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc từ châu Á qua châu Phi, đặc biệt là tại Algeria".
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất trong lịch sử, một người lính với các chiến thuật tự học hoàn hảo đã đánh bại kẻ thù, giành chiến thắng vang dội. Tại Điện Biên Phủ năm 1954, quân đội thực dân Pháp đã phải nhận một thất bại cay đắng nổi tiếng", trang Franceinter ca ngợi.
Ông luôn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của Việt Nam, được mọi người rất yêu mến và tôn trọng. Trong ngày sinh nhật 100 tuổi, các lãnh đạo cao nhất của đất nước đã đến thăm ông tại bệnh viện quân sự, nơi ông đã được điều trị trong hơn ba năm.
Báo Rue 89 (Phố 89) lại trích dẫn bài viết đầy cảm xúc của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Claude Blanchemaison: "Cuộc gặp đầu tiên của tôi với Tướng Giáp - người đẩy lùi sự chiếm đóng của Nhật Bản, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, diễn ra vào đầu tháng 4/1989 tại Hà Nội. Tôi giữ vai trò là đại sứ của Pháp ở Việt Nam một vài tuần trước đó".
Cựu đại sứ nhớ lại: "Với một chút e ngại, tôi đã đi đến điểm hẹn, ghi nhớ những gì đã đọc về nhân vật phi thường này - một người anh hùng của nền độc lập quốc gia. Nhưng người đàn ông đang đi đến trước mặt khiến tôi bị ấn tượng mạnh bởi tầm vóc nhỏ bé, đôi mắt tinh nhanh, vầng trán cao và mái tóc bạc, giống như 'một núi lửa dưới lớp tuyết trắng'. Người từng đứng đầu nền quân sự Việt Nam rất giản dị, ông mặc chiếc quần kaki màu xanh ô liu và chiếc áo sơ mi có gắn những ngôi sao trên viền cổ".
"Cử chỉ và lời nói của ông khiến không khí trở nên thân thiện và làm tôi cảm thấy rất thoải mái. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, Đại tướng đã rút ngắn những bài phát biểu khách sáo, nắm lấy cánh tay tôi đầy thân thiết và nói rằng ông đánh giá rất cao nền văn học nước Pháp", cựu Đại sứ Claude Blanchemaison cho biết.
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là 'tượng đài trong lòng nhân dân', chỉ đứng sau nhà lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh. Ông là người sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam, là người sử dụng chiến thuật du kích thông minh chiến đấu chống thực dân trên toàn thế giới", hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh.
"Chiến công lớn nhất của ông mãi là chiến thắng Điện Biên Phủ. Chưa đầy sáu tháng sau chiến thắng lịch sử này, Algeria cũng đứng lên giành độc lập. Điện Biên Phủ trở thành điểm khởi nguồn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới", bài báo dẫn lời sử gia Pháp Hugh Tertrais nói.
Tờ LeTemps (Thời báo) thông báo tin Đại tướng mất một cách trân trọng: "Người gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chiến lược gia đã lật đổ chế độ Sài Gòn, thống nhất Việt Nam năm 1975, qua đời vào hôm 4/10 ở tuổi 102 trong một bệnh viện ở Hà Nội. Ông là đại diện cuối cùng của nền cách mạng cũ, là người đánh dấu mốc son hào hùng trong lịch sử giải phóng thuộc địa và lịch sử quân sự".
Bài báo cũng phác họa lại những nét chân dung của Đại tướng: "Đó là một người lính yêu thích lịch sử, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một tín đồ say mê nước Pháp. Tướng Giáp là một trong những người kế thừa các chiến lược gia quân sự Việt Nam, những người trước đó đã đánh bại kẻ xâm lược Trung Hoa trong nhiều thế kỷ. Ông thích nói chuyện về các anh hùng trong quá khứ như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, những người giống như ông, đã chiến đấu để bảo vệ bản sắc và văn hóa của lãnh thổ Việt Nam".
Nguyễn Nhàn