Ông khó thở khi leo cầu thang hoặc đi bộ 100-200 m. Trong một năm, ông xuất hiện nhiều đợt cấp, mức độ thông khí tắc nghẽn nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông Khoa đã hai lần truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, vào tháng 5 và tháng 12. Hiện sức khỏe của ông cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khả năng gắng sức.
"Tôi đã đi bộ được quãng đường dài hơn, leo cầu thang tầng cao hơn mà không khó thở hoặc chỉ khó thở nhẹ. Sáu tháng qua, tôi không xuất hiện một đợt khó thở cấp nào", ông Khoa nói.
Bác sĩ Thủy cho biết tế bào gốc, gồm tế bào gốc trung mô (mesenchymal stem cell), là đa năng, có khả năng biệt hóa thành các tế bào chức năng riêng biệt. Tế bào gốc trung mô được thu nhận từ tủy xương, mô mỡ, cuống rốn. Nghiên cứu cho thấy nó có khả năng di chuyển đến vùng tổn thương, tính kháng viêm và điều hòa miễn dịch. Vì vậy, tế bào gốc trung mô có thể tác động đến cơ chế bệnh sinh của COPD và làm chậm tiến triển của bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Truyền tế bào gốc trung mô tự thân cũng loại bỏ nguy cơ thải ghép.
Phương pháp truyền tế bào gốc điều trị COPD tại Việt Nam được cho là kỹ thuật mới với nhiều triển vọng. Từ tháng 10/2016, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu triển khai đề tài khoa học cấp Nhà nước Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đến nay đã có 60 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này. Kết quả bước đầu cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở ngày càng nặng. Bệnh xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới.